ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Việt Nam - Vương quốc Anh hợp tác triển khai Quỹ đa dạng sinh học

12/ 04/ 2023

Ngày 12/4, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với Bộ trưởng Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh Thérèse Coffey và đoàn công tác

Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi Hội đàm song phương và ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ triển khai Quỹ đa dạng sinh học với bà Thérèse Coffey Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chào mừng người đồng cấp và kỳ vọng hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương nói chung trong đó có thương mại nông sản, xứng tầm với tiềm năng và quan hệ của hai quốc gia.

Đối với thương mại các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2022, Bộ NN-PTNT đã hoàn tất yêu cầu thanh, kiểm tra, và thống nhất mẫu chứng thư đối với sản phẩm thịt lợn và thịt gà của Anh.

Bên cạnh đó, để tăng cường thương mại sản phẩm chăn nuôi giữa hai quốc gia, Bộ NN-PTNT đề nghị phía Anh cung cấp các yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn chế biến, thịt gia cầm chế biến, và trứng gia cầm các loại gồm tươi sống và chế biến, sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam vào thị trường Anh.

Cụ thể năm 2023, đề nghị Anh xem xét chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ NN-PTNT đáp ứng các tiêu chuẩn mới tới xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, đồng thời huy động vốn, nguồn vốn FDI từ Anh đầu tư vào Việt Nam, kết nối thị trường nông lâm thủy sản.

Đối với thương mại các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, Bộ trưởng đề nghị phía Anh hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, đào tạo tập huấn trong xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm dịch thực vật, xúc tiến mở cửa thị trường.

“Hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc phổ biến các quy định nhập khẩu, qua đó hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, thuốc BVTV các sản phẩm an toàn hiệu quả với cây trồng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản, cần thúc đẩy mở cửa thị trường, xuất khẩu cá tra - lợi thế của Việt Nam vào thị trường Anh, triển khai có hiệu quả các cam kết của hai bên về thương mại và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ thực hiện các hoạt động hợp tác trong năm 2023 đặc biệt năm kỷ niệm 50 năm hai nước thành lập quan hệ ngoại giao.

Đối với thương mại gỗ và lâm sản, đề nghị thúc đẩy hợp tác từ gỗ và sản phẩm gỗ. Cụ thể là phối hợp trao đổi kế hoạch để đề xuất hai Chính phủ sớm ký kết Hiệp định thương mại gỗ Việt Nam - Vương quốc Anh. Tương tự như nội dung Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với EU; phối hợp thúc đẩy thương mại gỗ và lâm sản, gỡ bỏ rào cản, và tạo điều kiện cho nông nghiệp hai nước hoạt động phù hợp với thế mạnh của hai bên.

Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh Thérèse Coffey đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam khi là nước chủ nhà vòng đàm phán cuối cùng giữa Anh và các nước CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Vòng đàm phán kết thúc thành công, mở ra con đường để Anh trở thành thành viên chính thức của khối. Từ đó, có thể mở rộng hơn nữa các hợp tác giữa hai bên.

“Nông nghiệp là một lĩnh vực thực sự quan trọng của hai quốc gia. Chúng ta cũng nhìn ra nhiều cơ hội, đặc biệt là sau COP26. Chúng ta cần tìm kiếm các giải pháp để có thể hỗ trợ hơn nữa chính sách nông nghiệp bền vững. Đây là điều quan trọng để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu”, bà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh cũng cho biết, phía Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ở các vấn đề IUU, lâm sản...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang hối thúc không gian nông nghiệp theo tư duy kinh tế, đảm bảo tính minh bạch, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và biến động thị trường... Ngành nông nghiệp đang hoàn thiện thể chế ở hai lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế trong một số lĩnh vực như quản trị không gian rừng, bảo vệ sự bền vững môi trường thiên nhiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, đại dương, thiếu công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Vì vậy, Việt Nam cần các quốc gia trong đó có Vương quốc Anh hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ quản lý lâm nghiệp, thủy sản để thích ứng yêu cầu mới của thị trường thế giới.

“Chúng tôi cũng cần các dự án hợp tác nâng cao sinh kế, chống chịu thiên tai, sạt lở... Hợp tác giữa Việt Nam và Anh về nông nghiệp bền vững sẽ bao gồm đối thoại chính sách và giới thiệu những đột phá về nền nông nghiệp hiện đại. Đề nghị hai bên tổ chức diễn đàn kết nối thương mại, đầu tư nông nghiệp thường niên, huy động nguồn lực từ nguồn vốn FDI, ứng dụng khoa học công nghệ từ Vương quốc Anh để phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận và mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm thủy sản hai nước”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Thérèse Coffey ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ triển khai Quỹ đa dạng sinh học.

“Đây là một trong những lĩnh vực hợp tác mới, có ý nghĩa rất lớn đối với mối quan tâm của các nước trong khu vực và toàn cầu. Bộ NN-PTNT cam kết sẽ bố trí nguồn lực thích hợp và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, tổ chức thực hiện Quỹ đa dạng sinh học hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cả hai bên. Tôi cam kết sẽ chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp, triển khai thực hiện Bản ghi nhớ đúng cam kết giữa hai Bộ ngày hôm nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu