Ngày 20/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh đã có buổi tiếp bà Wendy Matthews, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam. Hai bên đã bàn thảo về những hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp, bà Wendy Matthews cho biết: Nông nghiệp là trọng tâm của kinh tế New Zealand nên New Zealand rất quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Việc hợp tác trong nghiên cứu giữa hai nước trong khuôn khổ Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Trong khuôn khổ Liên minh Nghiên cứu toàn cầu, New Zealand sẽ đóng góp 10 triệu đô la New Zealand, trong đó Việt Nam sẽ là đối tác đầu tiên. Các chuyên gia của hai nước đã có nhiều cuộc họp trao đổi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Khi triển khai, New Zealand sẽ tập trung vào việc đo lượng phát thải trong quá trình chăn nuôi.
Bà Đại sứ khẳng định: Hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Liên minh Nghiên cứu toàn cầu sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận đóng góp của bà Đại sứ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cho đến nay, nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả với sự đồng thuận cao của hai quốc gia. Việt Nam rất ủng hộ Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Việt Nam cũng bắt đầu triển khai các chương trình nghiên cứu về phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp như trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản.
Về đề xuất của New Zealand về Thỏa thuận Hợp tác trong Nông nghiệp Việt Nam - New Zealand, Bà Wendy Matthews bày tỏ mong muốn bản Thỏa thuận có thể được sớm ký kết vào cuối năm 2020.
Bà Wendy Matthews cũng chia sẻ những thiệt hại, mất mát của Việt Nam do thiên tai tại miền Trung. Bà cho biết Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đang lên kế hoạch hợp tác cứu trợ cho miền Trung.
New Zealand hiện đang thực hiện một số dự án ODA tại Việt Nam như Dự án An toàn đập, Dự án Rau an toàn ở Bình Định và Dự án Thanh long ở Tiền Giang. Dự án An toàn đập do trường Đại học Thủy lợi triển khai tại Nghệ An, Hà Tĩnh từ 2016 – 2021 nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại về người và tài sản do đập bị sự cố. Dự án Rau an toàn do Sở NN&PTNT Bình Định triển khai từ 2016 – 2021 nhằm cải thiện thu nhập của nông dân và sức khỏe của người dân. Dự án phát triển giống cây ăn trái mới chất lượng cao (thanh long) do Viện Rau quả miền Nam thực hiện từ 2018 – 2020 nhằm phát triển giống thanh long mới chất lượng cao và phương thức canh tác mới để nâng cao năng suất và chất lượng thanh long tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết cây ăn quả là mặt hàng chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng bày tỏ hy vọng với kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị cây ăn quả của New Zealand, đặc biệt là quả kiwi, New Zealand có thể giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng trái cây, đặc biệt là quả thanh long.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và bà Đại sứ đều tin tưởng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và New Zealand sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25