Ngày 1/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Greg Hands - Quốc vụ khanh Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Tại buổi tiếp, ông Greg Hands đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA), đặc biệt trong lĩnh vực hạn ngạch thuế quan cho gạo và tạo điều kiện gia nhập thị trường cho sản phẩm bò và gà tây của Anh.
Đại diện Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT để các sản phẩm thịt gia cầm như vịt, ngỗng của Anh được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Hands cũng kỳ vọng Việt Nam có thể tiến hành thủ tục gia nhập thị trường với sản phẩm lông gà, lông ngỗng và sản phẩm thịt bò sang Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định các cam kết của Việt Nam với phía Anh đã hoàn thành và đạt được những kết quả nhất định. Với vấn đề thịt bò và thị gà tây, phía Bộ sẽ có những bước đi tiếp theo.
Thứ trưởng cũng đề cập đến những thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021 (48,6 tỷ USD); thặng dư thương mại ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như trồng trọt, sản lượng lúa gạo đạt 42,7 triệu tấn, góp phần giải quyết nạn đói ở thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Phi. Xuất khẩu gạo đạt 7,3 triệu tấn, với giá trị 3,49 tỷ USD, thịt các loại đạt 7,06 triệu tấn, xuất khẩu thức ăn, thịt, trứng các loại đạt 2 tỷ USD...
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng hơn 20% nhờ cú hích UKVFTA có hiệu lực. Vương quốc Anh hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam ra thế giới. Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển nhanh chóng từ nâu sang xanh, đặc biệt gắn với giảm phát thải.
“Những thành tựu trên cho thấy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang bắt nhịp với chuỗi sản xuất toàn cầu, để đảm bảo tuyên bố của Việt Nam tại COP 26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đưa ra một số đề xuất Anh hỗ trợ trong một số lĩnh vực như chuyển giao công nghệ (công nghệ lõi, công nghệ nguồn); đào tạo, nâng cao nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; lâm nghiệp (nguồn gốc xuất xứ gỗ); biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất ở các nông trại; giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao; nâng cao hạn ngạch xuất, nhập khẩu gạo cho Việt Nam.
Quan hệ hai bên cùng có lợi
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực chăn nuôi là kết quả của một quá trình phấn đấu của hai bên, song vấn đề tổ chức thực hiện có hiệu quả, mang lại doanh thu cao đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Việt Nam có nhiều lợi thế về sản phẩm lương thực, trái cây với giá trị xuất khẩu 22,7 tỷ USD trong năm qua. Nhiều như lúa gạo, trái cây, cà phê, hồ tiêu... được ưa thích tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm cà phê và sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đang còn khá hạn chế.
Về chăn nuôi lợn, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư Việt Nam theo chuỗi khép kín, các sản phẩm được sản xuất với trong môi trường an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, công nghệ chất lượng cao đạt chuẩn. Về chăn nuôi gia cầm, Việt Nam mong muốn xuất khẩu sản phẩm thịt trắng sang Anh và nhập khẩu phần còn lại về Việt Nam.
Với lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản, Thứ trưởng cho rằng Vương quốc Anh và Việt Nam đều có tiềm năng lớn và việc mở cửa thị trường sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Đại diện đoàn làm việc của Anh, ông Greg Hands hoan nghênh cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng như ghi nhận những bước tiến và hành động rõ ràng của của Việt Nam trong thực hiện cam kết này.
“Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải thông qua Chương trình Chuyển đổi năng lượng Công bằng (JETP)”, ông Greg Hands cho biết.
Phía Anh cũng đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về tiềm năng và khả năng xúc tiến hợp tác nông nghiệp của hai bên và kỳ vọng giá trị thương mại nông sản sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Hands cho rằng sản phẩm gạo Việt Nam có chất lượng tốt và Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội khi phía Anh tăng hạn ngạch thuế quan về gạo trong Hiệp định UKFTA.
Đại diện phía Anh kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Việt Nam, một trong những thành viên tích cực của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sớm gia nhập khối thương mại này. Theo đó, Việt Nam có thể xúc tiến, tăng cường lượng gạo, sản phẩm cà phê xuất khẩu sang Anh và ở chiều ngược lại, Anh có thể xuất khẩu sản phẩm thịt đỏ sang Việt Nam.
Phản hồi đề xuất từ phía Anh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt đỏ và các loại nông sản khác của Anh song Việt Nam khuyến khích hơn nữa việc các doanh nghiệp Anh xúc tiến đầu tư trực tiếp, mang công nghệ, con giống, quy trình sản xuất đến Việt Nam và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25