Các sáng kiến được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra trong Hội nghị bàn tròn chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Hệ thống Lương thực thực phẩm 2021
Tháng 9 tới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm. Đây là hội nghị xác định các hành động cần được triển khai trong thập kỷ để hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tới năm 2030.
Qua đó, khởi động các sáng kiến, hành động mới táo bạo hơn và mạnh mẽ hơn trên tiến trình hiện thực hóa toàn bộ 17 mục tiêu SDGs, mỗi mục tiêu trong đó đều có một mức độ phụ thuộc nhất định vào các Hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn.
Các phương pháp tiếp cận mới này đòi hỏi cần có sự hợp tác và đổi mới phi truyền thống để có thể tạo ra những thay đổi vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính vùng miền ở cấp quốc gia và địa phương.
Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021, Hội nghị bàn tròn Lãnh đạo quốc gia được tổ chức vào chiều 1/7 theo hình thức trực tuyến.
Trong đó, huy động các quốc gia tiên phong và cam kết triển khai các sáng kiến quốc gia về Hệ thống lương thực thực phẩm, thống nhất với các mục tiêu về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có bài phát biểu đề cập đến các sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thế giới trong phiên khai mạc của hội nghị này.
Ngoài ra, phiên khai mạc cũng có ý kiến của ông Dongyu Qu - Tổng Giám đốc FAO, bà Agnes Matilda Kalibata - Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và các đại diện khác đến từ Ấn Độ và Hà Lan.
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ước tính hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng 690 triệu người (8.9% dân số) thiếu đói. Châu Á là nơi có số lượng người suy dinh dưỡng lớn nhất (381 triệu người). Gần 1/3 dân số thế giới hiện đang thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và dinh dưỡng. Thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được mục tiêu Không Đói (Zero Hunger) vào năm 2030: “Vấn đề an ninh, dinh dưỡng và phát triển bền vững đang đặt ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế”.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng khẳng định, nông nghiệp đã và sẽ tiếp tục là ngành quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo và là bệ đỡ quan trọng cho các ngành kinh tế khác tại khu vực Châu Á và toàn thế giới. Với lợi thế về nông nghiệp, các quốc gia Châu Á còn dư địa lớn để chiếm lĩnh và dẫn dắt sự chuyển đổi toàn diện và bền vững của hệ thống LTTP toàn cầu.
Nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong Hệ thống lương thực thực phẩm nhằm kiến tạo những thay đổi cách mạng, bền vững, sâu rộng của cả hệ thống, Bộ NN-PTNT đã tiên phong thành lập Chương trình đối tác công - tư cho phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ các sáng kiến trọng tâm mà Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm Châu Á và thế giới.
Thứ nhất, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới. Gắn kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của Hệ thống lương thực thực phẩm và nền kinh tế. Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm sáng tạo về Hệ thống lương thực thực phẩm (Food Innovation Hub) của khu vực Châu Á.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh, bền vững, có khả năng thích ứng cao trước các tổn thương, cú sốc và sức ép.
Việt Nam đang đưa kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nền sản xuất nông nghiệp sinh thái, đảm bảo sự gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng như một yêu cầu sống còn đối với an ninh lương thực. Việt Nam cam kết tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, phát thải thấp và tăng trưởng bền vững. Chúng tôi khẳng định tham gia chương trình “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải (net-zero) và thân thiện với môi trường” do WEF khởi xướng. Chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành của các đối tác quốc tế trên tiến trình này.
Với những sáng kiến này, Việt Nam mong muốn được đóng góp xây dựng Hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu với tư cách là một quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “trách nhiệm, minh bạch và bền vững”, cùng chung tay hành động để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030
Nguồn: Nongnghiep.vn
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25