ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Trao quyền cho cộng đồng để quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả

29/ 08/ 2022

Đây là một phần trong chuỗi các sự kiện về Đối thoại chính sách được Bộ NN-PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế thông qua diễn đàn Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) thực hiện. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý có hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam và trên thế giới; những khó khăn, thách thức, các rào cản về chính sách, thể chế và đề xuất các kiến nghị, chính sách về hợp tác đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi đối thoại

Lồng ghép trách nhiệm, lợi ích của cộng đồng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết tài nguyên thiên nhiên đang có chiều hướng suy thoái với nhiều tác động nội tại và khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường… Như vậy, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi các mô hình theo hướng xanh và phát triển gắn liền với bảo tồn tài nguyên là yêu cầu cấp thiết.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc trao quyền cho người dân, cộng đồng dân cư tiếp cận được với tri thức, dựa vào “dữ liệu” sẵn có để đưa ra những quyết định tốt hơn trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên còn hạn chế của mình. Phương thức hợp tác này cần được nhân rộng không chỉ đối với ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản mà cả trong các lĩnh vực khác nhằm nâng cao giá trị nông lâm thủy sản, phục hồi tài nguyên thiên nhiên.

Bà Caitlin Wiese, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho biết, để duy trì tăng trưởng lâu dài, Việt Nam cần hướng tới đầu tư, duy trì, và tái tạo nguồn lực tự nhiên mà người dân, cộng đồng và nền kinh tế đang phụ thuộc vào. Chính phủ cần sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân. Để đạt được mục tiêu này, cần trao quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong đồng quản lý nguồn lực tự nhiên và chia sẻ lợi ích, cũng như lồng ghép cách tiếp cận này trong trong các kế hoạch phát triển và quy trình lập và phân bổ ngân sách.

Chia sẻ tại Đối thoại cấp cao, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết các mô hình thí điểm hợp tác trong phát triển dược liệu gắn với công tác bảo tồn, phát triển từng đã đạt được một số kết quả khả quan. Lào Cai có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (417.463ha), với nhiều loại lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tinh dầu có giá trị cao có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế dưới tán rừng.

Với mô hình thí điểm, giao rừng để cộng đồng quản lý và bảo tồn phát triển nguồn gen, trong đó có các loài cây dược liệu, người dân đã chủ động về nguồn giống, có việc làm, có thu nhập và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm dựa vào tri thức bản địa đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, cộng đồng còn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 - 600.000 đồng/ha/năm.

Đối với lĩnh vực thủy sản, bà Trần Thị Thu Nga, nguyên chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre chia sẻ rằng người dân sẽ tích cực tham gia cùng quản lý, phát triển tài nguyên thiên nhiên nếu nhìn thấy lợi ích. Từ thực tế kết quả mô hình hợp tác khai thác, nguồn lợi ngao, sò của tỉnh Bến Tre cho thấy, tính hệ thống của tổ chức cộng đồng ngư dân ngày càng rõ nét; diện tích nuôi ngao, chất lượng ngao ngày càng được cải thiện; tính công khai, minh bạch trong nuôi trồng ngao được phát huy và sự phối hợp giữa các bên liên quan ngày càng chặt chẽ.

Cần chính sách hỗ trợ hợp lý

Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, quy định một số cơ chế về hợp tác quản lý rừng như hợp đồng bảo vệ rừng. Đây nền tảng quan trọng cho việc tổ chức thực hiện các hình thức hợp tác quản lý rừng giữa các chủ rừng là tổ chức nhà nước và cộng đồng dân cư. Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, Luật Thủy sản đã có quy định về phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản để chia sẻ quyền và trách nhiệm bảo vệ và khai thác. Tuy nhiên, phương thức hợp tác quản lý vẫn còn những bất cập, khó khăn cần phải được tháo gỡ từ chính sách.

Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng, để phương thức hợp tác quản lý, đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên đạt hiệu quả, cần áp dụng một cách sâu rộng từ việc xây dựng định hướng phát triển, quy chế quản lý, cách thức tổ chức, cho đến các mô hình cụ thể với tôn chỉ “kêu gọi sự tham gia một cách có trách nhiệm của các bên liên quan để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên”.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, đồng quản lý đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ở lĩnh vực thủy sản. Trước đây, đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản mới chỉ dừng ở các mô hình thử nghiệm thông qua dự án, khi dự án kết thúc các mô hình hoạt động không còn hiệu quả. Kể từ khi nội dung trên được chính thức đưa vào Luật Thủy sản năm 2017, các địa phương bắt đầu quay lại xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình đồng quản lý.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho biết mô hình hợp tác, đồng quản lý đã được áp dụng từ lâu trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tuy nhiên có một số chính sách hỗ trợ hiện nay không còn phù hợp nữa, ví dụ chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 400.000/ha/năm. Theo ông Bảo, khoản hỗ trợ này khó có thể đảm bảo cho người dân đồng quản lý và thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Hệ thống chính sách hiện nay chú trọng tới hợp tác, liên doanh, liên kết song vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt dưới sức ép về nhu cầu đời sống của người dân cũng như thu nhập cao hơn của các ngành nghề khác, ông Bảo cho rằng cần xây dựng chính sách phù hợp hơn để kết hợp quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo cơ chế hợp tác phát triển.

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng cần đồng bộ cơ chế, chính sách quản lý rừng đặc dụng để người dân có thể phát triển sản phẩm vùng miền, phát triển nông lâm kết hợp