ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Tìm kiếm giải pháp phát triển nông nghiệp khu vực Đông Nam Á

02/ 10/ 2015

Hội nghị bàn tròn về Kinh doanh nông nghiệp toàn diện trong khu vực Đông Nam Á được xây dựng trên sáng kiến Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông qua việc tăng cường gắn kết những mạng lưới sẵn có, chia sẻ kiến thức, khích lệ  các hoạt động hợp tác và nghiên cứu mới, tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và thiết thực nhằm giải quyết các thách thức mà các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm cả các hộ nông dân và các doanh nghiệp quy mô nhỏ) đang phải đối mặt.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, nông nghiệp được coi là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế của các nước thành viên ASEAN với gần 30% đất đai cho phát triển nông nghiệp và thu nhập cho 50% dân số. Giá trị của nông nghiệp đang đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, trong đó Việt Nam có tới 70% dân số sống ở nông thôn, nông nghiệp đóng góp 30% vào GDP của đất nước. Hiện tại nông nghiệp Việt Nam đang quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị.

Bộ trưởng cho biết, trong 5 năm qua Việt Nam đã thu hút hơn 40 tổ chức từ chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các tổ chức khác tham gia hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp chính của Việt Nam như cà phê, chè, ngô, rau, gia vị, thủy sản cũng như hỗ trợ tài chính trong việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cũng đã hợp tác với nhiều tập đoàn đa quốc gia và các công ty trong nước để thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo đảm lợi ích của người nông dân, tính bền vững về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô và đảm bảo tính bền vững của những nỗ lực trên đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong hoạt động kinh doanh và chiến lược đầu tư cũng như các quan hệ hợp tác.

Ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho rằng: không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cần phải ngồi lại để bàn bạc tìm ra một giải pháp bền vững hơn, đó là kết nối kinh doanh với sản xuất, cụ thể là những nông dân, các nhà sản xuất giống, nhà quản lý chuỗi cung ứng, chính phủ, để đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu dễ dàng vềthủ tục hành chính và hạ tầng. Chính phủ Australia đã và đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong khu vực ASEAN để kết nối các nhà cải cách trong kinh doanh với người nông dân, các nhà nghiên cứu và những tổ chức, cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực phát triển, vì một mục tiêu chung là giảm nghèo, bảo đảm một tương lai thịnh vượng và an ninh lương thực.

Để đảm bảo quan hệ đối tác thành công, Việt Nam đã chính thức thành lập Ban Thư ký thường trực về Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) nhằm phối hợp và mở rộng các hoạt động của nhóm đặc trách. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng rất ủng hộ việc thành lập các Đối tác Tăng trưởng châu Á vì nó không chỉ tăng cường các nhóm công tác Việt Nam qua việc đưa đến nhiều hơn các đối tác cùng với chia sẻ thực tiễn, kiến ​​thức và sự đổi mới tốt nhất mà còn mở rộng các nỗ lực trong khu vực và quốc tế trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại khu vực ASEAN.