ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thúc đẩy thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn

07/ 03/ 2016

Tại cuộc họp nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo trực tiếp các cục, vụ liên quan xử lý nghiêm túc, triệt để có hiệu quả những vấn đề được phân công, từ đó có thể sửa đổi cơ chế chính sách cho ngành, tại điều kiện thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn, ngày 19/2/2016 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu rõ: Được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế nên không ít doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, bất cập trong huy động vốn, hoạt động xuất khẩu, thủ tục đất đai… nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), một trong những rào cản trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là do doanh nghiệp chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí. Đơn cử như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Việc hoàn trả thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa cũng không được thực hiện ngay bằng tiền mặt, mà chỉ được khấu trừ dần.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu đất để xây dựng vùng nguyên liệu, trụ sở, khu chế biến, trong khi giá thuê đất cao ngất ngưởng… cũng là một rào cản khiến việc thu hút đầu tư rất bế tắc. Cụ thể là đến nay, có tới 50% số doanh nghiệp được điều tra đều kêu thiếu đất và mặt bằng gây cản trở trong việc ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai cũng chưa hợp lý và khó tiếp cận. Theo điều tra của IPSARD có 67,7% doanh nghiệp nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi…

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết, “Đầu tư nông nghiệp hiện nay rất khó vì đất đai manh mún. Đất rộng nằm trong tay các lâm trường đang thua lỗ, nhưng nhiều nông trường lại khoán hết đất cho nông dân, nên doanh nghiệp cũng không dễ tiếp cận quỹ đất này”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, đến lúc phải cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp tư nhân là chủ đạo để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài. Để doanh nghiệp tồn tại phải giải quyết dứt điểm những khúc mắc về vấn đề đất đai; xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ. Cùng với đó, phải rà soát lại các hệ thống văn bản hiện hành, nếu chưa thấy hợp lý phải sửa đổi, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Tại hội nghịBộ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT Cao Đức Phátnhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về đất để xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp như: Khu phơi sấy, kho chứa; rà soát ban hành mới thay thế các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay tín dụng để cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tốt nhất; đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng liên kết nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các siêu thị trong nước. Các ngành chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm “bẩn” khi xuất khẩu để không xảy ra tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm ảnh hưởng tới uy tín các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng khẳng định, “phát triển doanh nghiệp là then chốt, là nòng cốt trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp sẽ chỉ đạo xử lý ngay, những gì vướng mắc của các Bộ, ngành khác chúng tôi sẽ có ý kiến và liên hệ phối hợp để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan điểm của Bộ coi đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ, và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện”./.