ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thúc đẩy đầu tư bền vững, có trách nhiệm: Hướng tới một nền nông nghiệp xanh tại Việt Nam

15/ 03/ 2022

Hội thảo Thúc đẩy đầu tư bền vững, có trách nhiệm: Hướng tới một nền nông nghiệp xanh tại Việt Nam được Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) và Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (PSAV) tổ chức ngày 15/03/2022 tại Hà Nội.

Năm 2018, Hội nghị các Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp các nước ASEAN (AMAF) đã thông qua khung hướng dẫn chung của khu vực nhằm hỗ trợ việc hoạch định chính sách, tăng cường đầu tư tư nhân có trách nhiệm. Hướng dẫn của ASEAN về thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp (ASEAN RAI) gồm 10 nguyên tắc về: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) mà các nhà đầu tư cần tuân thủ có trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu luật pháp của các quốc gia ASEAN.

Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) và Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (PSAV) tổ chức hội thảo để giới thiệu nội dung Hướng dẫn ASEAN RAI tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp và chia sẻ một số công cụ hỗ trợ việc áp dụng Hướng dẫn ASEAN RAI nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư có trách nhiệm tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu điển hình về các mô hình đầu tư đầu tư bền vững và có trách nhiệm của các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại ASEAN trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO). Các nghiên cứu điển hình về thực tiễn đầu tư có trách nhiệm tại Việt Nam do chuyên gia Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) chia sẻ tại hội thảo. Các nghiên cứu này đã chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các nhà đầu tư trong việc áp dụng các thực hành đầu tư có trách nhiệm phù hợp với Hướng dẫn ASEAN RAI; để từ đó khuyến khích các nhà đầu tư, tài chính tăng cường đầu tư vào các hoạt động mang lại tác động tích cực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong nông nghiệp.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “Minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học”. Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 và cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030 đã ban hành Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/1/2022 về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu kép phục hồi, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững này đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa từ cả khu vực Công và Tư, đặc biệt là trong các hoạt động đầu tư mang tính bền vững, trách nhiệm./.