Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương và ông Henning Pedersen Trưởng đại diện IFAD tại Việt Nam chủ trì hội nghị.
Chủ đề của hội nghị toàn thể ISG 2014: “Thúc đẩy công nghiệp chế biến: cơ hội và thách thức” nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình công nghiệp chế biến nông sản hiện tại, đối thoại về chính sách và môi trường đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản Việt Nam.
Gần 150 đại biểu tham dự Hội nghị đại điện cho cộng đồng các nhà tài trợ, các đại sứ quán tại Hà Nội, lãnh đạo các Bộ/ngành/ban của Trung ương, Chính phủ; lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội chính trị và ngành hàng, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, Hội nghị toàn thể ISG- diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được thực hiện từ 1998 đến nay là sáng kiến của Bộ nông nghiệp & PTNT và cộng đồng các nhà tài trợ,các tổ chức quốc tế, được duy trì nhằm đối thoại những vấn đề quan trọng, cấp thiết của ngành nông nghiệp.
Hội nghị ISG 2014 tập trung vào lĩnh vực thúc đẩy công nghiệp chế biến, nhằm thực hiện nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản Việt Nam, khắc phục hiện trạng nông sản Việt Nam chủ yếu bán ở dạng thô, rẻ, mẫu mã kém, thương hiệu chưa có… Thực tế, vì quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu là những nguyên nhân làm giá trị nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15% đến 50% so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch UBND Đồng Tháp chia sẻ, tuy là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng giá trị của hàng hóa nông sản Đồng Tháp còn thấp và đang rất cần thiết phải thúc đẩy công nghệ chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Hiện Đồng Tháp Đồng Tháp rất sẵn sàng thực hiện thí điểm các chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Henning Pedersen – Giám đốc chương trình quốc gia IFAD chia sẻ, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn trên thế giới, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản, có chính sách phát triển nông thôn phù hợp. Hiện tại, xây dựng tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là một ưu tiên của địa phương, điển hình như các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện khá thành công, tuy nhiên nhiều tỉnh vẫn đang vật lộn, còn lúng túng với vấn đề này. Ngoài chính sách của Chính phủ thì các cơ quản lý địa phương cần phải được nâng cao năng lực, có kiến thức và khả năng đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật, Khu vực nông thôn cần tăng cường xây dựng năng lực toàn diện cho nông dân.
Ý kiến thảo luận tại hội nghị cho thấy, hơn 10 năm qua, thương mại nông sản của Việt Nam phát triển và có những thành tựu nhất định cũng cần phải khẳng định vai trò, đóng góp của khu vực tư nhân, của doanh nghiệp trong quá trình này. Tuy nhiên, để vượt qua được thách thức, lợi dụng các cơ hội để thúc đẩy chế biến, tham gia sâu vào các thị trường cả nội địa và thế giới, cần thiết phải nâng cao năng lực cho cả hệ thống, cải thiện chính sách phù hợp nhất, chấp hành nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng và thị trường. Vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong hoạch định chính sách, trong đào tạo, nghiên cứu cơ bản nên thay đổi gắn với cơ chế thị trường, với cách tiếp cận mới, tư duy mới.
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: Hội nghị đã thống nhất cao về sự cần thiết của đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản và muốn phát triển được phải dựa vào doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là khu vực tư nhân. Với quan điểm lấy thị trường là xuất phát điểm thúc đẩy, điều chỉnh phân bổ nguồn lực sản xuất trong ngành, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò “động lực” kết nối sản xuất, chế biến với thị trường, Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá và môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi. Phát triển công nghiệp chế biến cũng đồng nghĩa với khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thúc đẩy công nghiệp chế biến cũng đồng nghĩa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT đang khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Những giải pháp quan trọng hàng đầu là (i) tiếp tục đổi mới chính sách theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế như chính sách thuế, đất đai, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã xác định hai trọng tâm chính trong tiến trình phát triển ngành là (i) phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và (ii) cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích sự tham gia hiệu quả của các thành phần vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhân Hội nghị toàn thể ISG 2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát trân trọng cám ơn cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nhiều mặt về tài chính, kỹ thuật, cơ chế chính sách để ngành nông nghiệp và PTNT đạt được những kết quả rất khả quan. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV)2024/11/26
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam PSAV2024/11/22
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01