Ngày 28/12, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Lào từ 27-29/12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chào xã giao Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tại thủ đô Viêng Chăn
Tăng cường hợp tác toàn diện
Ngày 28/12, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Lào từ 27-29/12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến chào xã giao Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh tại thủ đô Viêng Chăn. Thủ tướng Phankham Viphavanh đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và coi đây là dấu ấn rất quan trọng trong các sự kiện kỷ niệm 60 năm quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Lào.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hai nước đã tích cực ủng hộ lẫn nhau trong thời gian kháng chiến giành độc lập và giải phóng dân tộc, và bây giờ là lúc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sâu rộng giữa hai nước.
Lào đặc biệt cần sự hỗ trợ và hợp tác của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển hạ tầng nông nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, sơ chế, chế biến, gắn Lào với chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam và các nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cám ơn sự đón tiếp nồng hậu, thắm tính đồng chí anh em của Thủ tướng và các bạn Lào. Bộ trưởng nêu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước và sẽ luôn sát cánh cùng Lào trong phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã báo cáo với Thủ tướng Phankham Viphavanh về kết quả cuộc họp với Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak.
Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi cán bộ kỹ thuật chuyên gia, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án Việt Nam hỗ trợ cho Lào trong khuôn khổ của Ủy ban hợp tác song phương giữa 2 nước. Đồng thời, hai sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kết nối doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức hoạt động giao lưu thường xuyên, tiến tới thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Lào.
Thêm vào đó, hai Bộ sẽ tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên xuyên biên giới với sự ủng hộ tích cực của các tổ chức quốc tế.
Về hợp tác đầu tư doanh nghiệp, hai bên đã xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào. Nhiều tập đoàn và công ty Việt Nam đã đầu tư các dự án trồng và chế biến cao su, mía tại Lào.
Kết quả các dự án đầu tư đều cho năng suất cao, tạo điều kiện công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương, từng bước giúp người dân thay đổi đời sống sinh hoạt, thay đổi tập quán canh tác quảng canh và đóng góp vào ngân sách của Lào.
Tính đến năm 2022, có 130 đơn vị kinh doanh Việt Nam đang đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào với tổng số vốn gần 1 tỷ USD.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối mạnh mẽ doanh nghiệp nông nghiệp hai nước, tạo lập hệ sinh thái đầu tư đồng bộ trong ngành nông nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào không chỉ để khai thác các cơ hội kinh doanh mới mà quan trọng hơn phải đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
Trong thời gian vừa qua, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, chuyên gia, kỹ thuật viên nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, an toàn thực phẩm và tìm kiếm các đối tác đầu tư sang Lào.
Các dự án Việt Nam hỗ trợ thiết thực, hiệu quả
Về các dự án hỗ trợ phát triển, trong thời gian từ 2015-2020, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam đã triển khai 06 dự án với số vốn 250,8 tỷ đồng. Các dự án này được đánh giá là thiết thực, hiệu quả và được phía bạn đánh giá cao, trở thành biểu tượng nổi bật của tình hữu nghị đặc biệt, hợp tác bền vững giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án Phân vùng sản xuất nông nghiệp hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.
Dự án hỗ trợ xây dựng phân vùng sản xuất nông nghiệp theo tiểu vùng, làm căn cứ định hướng xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp và có hiệu quả cao nhất theo hướng phát triển bền vững phục vụ nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng lãnh thổ của từng tỉnh.
Kèm theo đó, dự án hỗ trợ thiết kế và hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất đặc trưng của một số tiểu vùng. Thực hiện chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nhân dân trong vùng, góp phần thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất cũ của người dân trong vùng, phát huy nhanh nhất thế mạnh sản xuất hàng hoá của từng tiểu vùng.
Dự án Quy hoạch thủy lợi tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng. Dự án hỗ trợ xây dựng danh mục đầu tư công trình thủy lợi ưu tiên và các giai đoạn ngắn, trung, dài hạn; đưa ra các giải pháp tạo nguồn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp phục vụ dân sinh, công nghiệp, thủy điện, du lịch v.v…; giải pháp tiêu thoát nước, phòng chống giảm nhẹ thiên tai. Quy hoạch thủy lợi khi được triển khai hiệu quả sẽ phục vụ cấp, tưới nước cho 67.100 ha đất nông nghiệp và sản xuất và phục vụ cho 708.000 người.
Dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Hủa Phăn. Dự án đã hỗ trợ Lào đầu tư xây dựng công trình Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh đồng bộ, khang trang, hiện đại, đa chức năng tại các tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn và phục vụ dịch vụ nông, tư vấn, dịch vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tỉnh lân cận. Dự án cũng triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, xây dựng mô hình khuyến nông chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới như trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, gà sinh sản, nuôi cá nước ngọt; tổ chức nhiều đoàn tham quan học tập về nông nghiệp và khuyến nông cho cán bộ Lào cùng với các hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hàng trăm cán bộ khuyến nông cấp tỉnh.
Dự án Sửa chữa hai trạm bơm công trình thủy lợi Đông-phu-xi và Tha-pha -nong-phông, thủ đô Viêng Chăn. Dự án tập trung sửa chữa thay thế các thiết bị cơ điện và nhà trạm, khôi phục năng lực đầu mối hai trạm bơm đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới theo thiết kế ban đầu (trạm bơm Đông-phu-xi phục vụ tưới cho 1.020 ha đất canh tác, trạm bơm Tha-pha-nong-phông phục vụ tưới cho 1.100 ha đất canh tác của huyện Hatsaiphong, thủ đô Viêng Chăn).
Cùng với đó, phía Việt Nam liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình cho trên 100 cán bộ Lào.
Đi cùng dự án này, phía Việt Nam cũng có dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn với hướng sản xuất hàng hóa ở các bản thuộc vùng tưới của hệ thống thủy lợi Đông - phu - xi và Tha - pha - nong - phông, thành phố Viên Chăn, với các mô hình như sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, trồng rau trong nhà lưới, nuôi cá, trồng hoa.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25