Ngày 23/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on.
Những năm gần đây, Việt Nam và Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và bước đầu ghi nhận nhiều kết quả quan trọng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai Bộ trưởng đều nhận định quan hệ hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt là hợp tác nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước.
Trao đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thể hiện sự ấn tượng và ủng hộ sâu sắc đối với lịch sử và thành tựu nông nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là cách mà đất nước này đã dẫn dắt, cùng nhân dân phát triển nông thôn.
“Chính lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước đã là nền tảng vững chắc cho cộng đồng nông dân ở Việt Nam và Thái Lan. Hai nước thường xuyên mua bán và trao đổi giống cây trồng, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Cá nhân tôi khi còn làm lãnh đạo địa phương đã liên tục mời các doanh nghiệp Thái Lan sang Đồng Tháp để chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm. Hy vọng rằng trong tương lai, hai bên sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam và đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt trên 20 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản chiếm khoảng 10%. Phát triển nông nghiệp bền vững được coi là một trong những động lực kinh tế chính của Thái Lan.
Theo đó, Bộ trưởng Chalermchai Sri-on nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước cần sớm cập nhật Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp.
“Trong bối cảnh Thái Lan và Việt Nam cùng đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, hạn chế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực, căng thẳng thương mại và gần đây nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cần thêm những đối thoại song phương để đảm bảo sự bền vững của nông nghiệp. Tôi hy vọng bản ghi nhớ mới sẽ được ký kết trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Thái Lan tới Việt Nam vào tháng 4, đó sẽ là món quà ý nghĩa dành cho ngành nông nghiệp của Việt Nam từ Thái Lan”, Bộ trưởng Thái Lan bày tỏ.
Cụ thể, ông Chalermchai đề xuất các nội dung hợp tác cụ thể: phòng, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được kiểm soát (IUU), kiểm soát dịch bệnh động vật xuyên biên giới; du lịch nông thôn, phát huy năng lực tự chủ sản xuất của bà con; mở cửa thị trường trâu, bò, trứng thông qua các kênh thích hợp. Người đứng đầu ngành nông nghiệp Thái Lan cũng nêu ý tưởng về hình thành các liên doanh sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia xuất khẩu gạo chủ lực. Bộ trưởng Chalermchai bày tỏ lòng ngưỡng mộ thành tựu của ngành lúa gạo Việt Nam với nhiều điểm nhấn trong năm 2023, như đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới" hay đảm bảo gạo cho thế giới và khu vực trong bối cảnh nhiều nước khác ngừng xuất khẩu gạo. Vì vậy, ông mong muốn Bộ NN-PTNT sẽ cởi mở chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi ngành hàng lúa gạo, với "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở vùng ĐBSCL" là điển hình cho sự đồng lòng giữa nhân dân và Chính phủ.
Đáp lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao việc Thái Lan đã trao đổi với các ủy ban, doanh nghiệp và nông dân trong nước trước những đề xuất lĩnh vực hợp tác với Việt Nam.
“Từ ngày hôm nay, hai bên sẽ bắt tay vào công việc ngay lập tức. Cuộc gặp này đánh dấu bước tiến lớn, mở ra những triển vọng cho hợp tác giữa hai quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thể hiện cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25