Tây Nguyên cần mở ra mọi hướng, kết nối tới mọi vùng, lấy nông dân làm trung tâm, tháo gỡ rào cản, thu hút doanh nghiệp đầu tư để phát triển nông nghiệp bền vững.
Sáng nay (21/5), Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên: Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai.
Nhằm làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là các nút thắt cần tháo gỡ để thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên cất cánh và phát triển bền vững, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của Tây Nguyên, trong đó những khó khăn, thách thức mà Tây Nguyên đang phải đối diện là gì?
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; vùng có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, (chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên), trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ ba zan. Đây cũng là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.
Khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu có chất lượng cao, sản lượng lớn như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm ngọc linh... (Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo); phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản, cá nước lạnh...
Thêm vào đó, hệ thống giao thông đường bộ và đường hàng không ngày càng được hoàn thiện với 3 sân bay (1 sân bay quốc tế, 2 sân bay nội địa), tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng (Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh) với vùng đông bắc Campuchia và các quốc gia trong khu vực.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên như: Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020; Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản vùng Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đạt tốc dộ tăng trưởng 6,05%/năm. Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 gây ra, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn như biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới trong mùa khô; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, vẫn còn tình trạng buôn bán nguồn giống kém chất lượng; chưa kết nối tốt giữa người sản xuất, chế biến với tiêu dùng, đặc biệt là khâu sản xuất nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, quảng bá sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức...
Thứ trưởng có thể cho biết, Bộ NN-PTNT đã và đang có những định hướng, gợi mở như thế nào trong việc phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên để hình thành được hệ sinh thái nông nghiệp trên nền tảng là các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững?
Để khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có thể kể tới:
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ. Chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực là “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các tỉnh cần triển khai đồng bộ 4 quy hoạch: Quốc gia, vùng, tỉnh, ngành; phải liên thông được 4 quy hoạch và đưa những quy hoạch này gặp nhau tại một điểm để phát huy được lợi thế so sánh của các các tỉnh và của cả vùng Tây Nguyên.
Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên, thúc đẩy tích tụ đất đai theo quy định của pháp luật để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc bảo vệ, phát triển rừng, phát huy giá trị của rừng.
Đẩy mạnh khâu nghiên cứu, chọn tạo, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường.
Đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức. Xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế. Kích thích sản xuất, kinh doanh nông sản phát triển, gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, cải cách thủ tục hành chính, mời gọi các nhà đầu tư (kể cả doanh nghiệp nước ngoài) vào các khâu liên kết sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản.
Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông. Cải tạo hồ chứa, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp, chăn nuôi và chế biến nông sản. Hoàn thiện hệ thống kho bãi, dây chuyền, công nghệ chế biến để nâng cao giá trị nông sản, giảm thất thoát sau thu hoạch. Phát triển các mô hình đầu tư theo hệ sinh thái bao gồm doanh nghiệp kết hợp với HTX, trang trại, người nông dân...
Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, kết nối sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản, được địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân ghi nhận và đánh giá rất cao, trên cơ sở thành công đó, Diễn đàn Kết nối nông sản Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai lần này có ý nghĩa như thế nào đối với nông nghiệp tỉnh Gia Lai nói riêng và nông nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung?
Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 30,38% tổng giá trị sản phẩm (GDP) của tỉnh. Bên cạnh đó, với dân số trên 1,5 triệu người, trong đó trên 46,23% là đồng bào các dân tộc ít người rất cần được hỗ trợ phát triển sản xuất.
Việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp sẽ thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng và giá trị thay vì sản lượng cao, chất lượng thấp như trước đây.
Đây cũng là dịp thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia, tạo cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin về điều kiện tự nhiên, con người, văn hóa, tiềm năng phát triển, nghiên cứu các chính sách ưu đãi của tỉnh để đầu tư vào Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Tuy nhiên, để hội nghị thực sự mang lại giá trị, sức lan tỏa mạnh mẽ, một trong những vấn đề mà các tỉnh phải đặc biệt quan tâm là tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh gọn, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25