Dự báo giá trị xuất khẩu rau, quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017. Thúc đẩy chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị của mặt hàng này.
Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu rau, quả tháng 11/2018 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau, quả 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu đều đặn, đem về nhiều tỷ USD, tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu mặt hàng rau, quả xuất khẩu lại thấy không ít điều phải bàn. Đó là hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu rau, quả thô hoặc sơ chế, chiếm tới trên 90% tổng lượng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - nhận định: Công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới ở mức 7%/năm, chỉ bằng 1/3 - 1/2 mức tối thiểu của nhiều nước khác. Trong đó, đối với ngành rau, quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn sản phẩm/năm.
Đặc điểm của nông sản là thu hoạch tập trung theo mùa vụ nhất định, nếu cứ đẩy ra thị trường một lượng nông sản quá lớn sẽ rất khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng có hạn. Do vậy, cần phải đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản để kéo dài mùa vụ nông sản. Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - đánh giá: Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu khá nhiều sản phẩm rau, quả chế biến như xoài dẻo, nước trái cây lạc tiên, chanh leo… Tiềm năng xuất khẩu rau, quả chế biến còn rất lớn. Nếu đẩy mạnh chế biến, con số 10 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2025 là hoàn toàn đạt được. Hiện, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), theo các chuyên gia, đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau, quả của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng mà xuất khẩu rau, quả phải đối mặt là các hàng rào kỹ thuật. Về mặt giải pháp, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, nếu chế biến, rau, quả Việt sẽ vượt được 2 hàng rào kỹ thuật mà Việt Nam đang rất yếu đó là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Đầu tư vào chế biến sẽ là một trong những bước đột phá để có thể giải quyết vấn đề thị trường của nông sản Việt. Để làm được điều này, nhà nước phải có chính sách đủ mạnh để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt bằng, đất đai, xây dựng vùng chuyên canh… |
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25