Sáng 16/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức cuộc họp thường niên giữa kỳ nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng thuộc đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV). Chiều cùng ngày, PSAV phối hợp với Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) tổ chức hội thảo về ‘Chia sẻ kinh nghiệm trong các Nhóm công tác PPP ngành hàng’ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ cấu và vai trò của các Nhóm công tác PPP ngành hàng nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng doanh nghiệp trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển thị trường, đặc biệt là tạo ra chuỗi giá trị cao và bền vững. Việc thành lập nhóm công tác PPP đã kết nối các doanh nghiệp từ các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh và liên kết với một số địa phương thí điểm để tạo đột phá về chính sách, thể chế nhằm thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân vào tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của các nhóm ngành hàng PPP nông nghiệp với những sáng kiến, đổi mới phương thức hoạt động và cách tiếp cận mở hơn. Năm 2018, Thủ tướng giao ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 40 tỷ USD, và sẽ cao hơn vào các năm sau, điều này kỳ vọng vào sự tham gia của doanh nghiệp để lan tỏa những mô hình tốt ra cộng đồng, nông dân và gắn kết tốt hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Hiện tại, 07 nhóm PPP ngành hàng gồm: cà phê, chè, gia vị và hồ tiêu, rau quả, thủy sản, gạo đang triển khai hoạt động tốt và gắn kết với số hộ nông dân tham gia tăng mạnh từ 43.372 hộ năm 2016 lên 216.951 hộ năm 2018. Nhóm hóa chất nông nghiệp đã gắn với các nhóm ngành hàng để xử lý các vấn đề liên quan đến hóa chất nông nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ và thân thiện với môi trường. Riêng nhóm tài chính nông nghiệp tạm dừng hoạt động từ 2016. Nhóm PPP ngành hàng chăn nuôi đang trong quá trình thành lập.
Ban thư ký PSAV đã triển khai nhiều hoạt động để kết nối, mở rộng liên kết các tác nhân của nhóm, tăng cường công tác truyền thông để về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách khuyến khích doanh nghiêp…để ngày nâng cao hiệu quả hoạt động nhóm.
Tuy nhiên, đến nay, một số nhóm hoạt động vẫn còn lúng túng, nặng hình thức, thiếu nội dụng cụ thể, đặc biệt là cơ chế hợp tác. Để đạt được kết quả tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị Ban thư ký PSAV phối hợp chặt với các nhóm phải tiếp tục cải tiến cách thức hoạt động, xem xét cách tiếp cận, cơ chế phối hợp để mở rộng thành viên, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả. Trong quan hệ đối tác, Thứ trưởng đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của khối “công”, các cục/vụ/viện nghiên cứu của Bộ trong vai trò đồng trưởng nhóm của các nhóm công tác và nhất thiết phải có đại diện địa phương để tạo môi trường tốt nhất cho triển khai, gắn kết trong phát triển chuỗi giá trị ngành hàng với chuỗi phân phối của doanh nghiệp. Bộ cũng đang nghiên cứu để xây dựng bộ nguyên tắc, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình tốt từ các nhóm PPP ngành hàng. Cần có cơ chế chia sẻ thông tin rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp để mở rộng liên kết, đối tác.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp và cam kết tiếp tục chỉ đạo, phối hợp chặt để phát triển hoạt động đối tác công-tư ngành hàng nông nghiệp hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững./.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25