Ngày 24/3, tại TP Cần Thơ, diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Viện Lúa ĐBSCL và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam về nghiên cứu, phát triển giống cây trồng.
Giống tốt tạo tiền đề thắng lợi
Tham dự lễ ký kết có lãnh đạo Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT); Viện KHNN Việt Nam; đại diện ban lãnh đạo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Công ty Syngenta Việt Nam.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng gia tăng, việc cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng phát triển bền vững là hướng đi cần thiết để hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, cải thiện thu nhập của nông dân, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để gia tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, khâu sản xuất giống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ hạt giống tốt là tiền đề cho một vụ mùa thắng lợi. Người nông dân cần được hướng dẫn cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và chọn lọc các loại giống tốt phù hợp điều kiện đất đai và tập quán canh tác.
Từ thực tế đó, Syngenta - Tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực nông dược và hạt giống với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và thương mại các loại hạt giống tại Việt Nam - đã và đang mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển giống lúa thuần cũng như các giải pháp bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây lúa để giúp bà con nông dân có được những lựa chọn tốt nhất.
TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, Viện Lúa được thành lập năm từ 1977 và có nhiều đóng góp cho sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL. Đặc biệt, lĩnh vực giống và các giải pháp canh tác lúa. Còn Công ty Syngenta Việt Nam là một tập đoàn đa quốc gia, có thế mạnh trong lĩnh vực nông dược và hạt giống đã hoạt động trên 30 năm tại Việt Nam. Hiện tại, Công ty Syngenta Việt Nam đang mở rộng sang lĩnh vực lúa thuần và đẩy mạnh hoạt động của ngành sản xuất giống, không chỉ ở Việt Nam mà khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hiện nay. Nhu cầu gia tăng thu nhập cho người trồng lúa cùng các vấn đề môi trường, sức khỏe, và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Qua buổi ký kết hôm nay giữa Viện Lúa ĐBSCL và Công ty Syngenta sẽ phối hợp, trong công tác khảo nghiệm và đánh giá giống lúa, phối hợp sản xuất giống lúa, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ. Hy vọng tạo ra nhiều giống lúa chất lượng, góp phần nâng cao giá trị ngành gạo Việt Nam.
Hợp tác góp phần đảm bảo an ninh lương thực
Syngenta đã hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL nhằm tăng cường nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa thuần; khảo nghiệm và đánh giá giống lúa, phối hợp sản xuất giống lúa, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ. Cụ thể, Syngenta sẽ tài trợ và hỗ trợ cho CLRRI (Viện Lúa ĐBSCL) trong 3 năm (2023-2025) để thực hiện các nghiên cứu và khảo nghiệm để tìm ra các dòng, giống lúa thuần tốt nhất.
Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực BVTV, bao gồm nghiên cứu, khảo nghiệm và đánh giá sản phẩm thuốc BVTV và giải pháp quản lý dịch hại trên cây lúa. Tập huấn, đào tạo về nông học, sâu bệnh hại cũng như các giải pháp BVTV trên cây lúa cho nhân viên, khách hàng và đối tác của Syngenta. Thông qua sự hợp tác này, hai bên hy vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực cho ngành lúa gạo, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại khu vực ĐBSCL nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại lễ ký biên bản ghi nhớ, ông Trần Thanh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết: Syngenta luôn chú trọng việc liên kết với các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp. Đặc biệt là sản xuất lúa gạo - lĩnh vực truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước.
Việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Syngenta và Viện Lúa ĐBSCL lần này sẽ phát huy thế mạnh của cả hai bên trong việc nghiên cứu và phát triển giống cây trồng. Đặc biệt là giống lúa thuần và giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến bảo vệ thực vật, từ đó gia tăng năng suất và chất lượng lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và giúp Việt Nam giữ vững vị thế của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25