ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Quyết liệt ngăn chặn khai thác đánh bắt hải sản bất hợp pháp

23/ 02/ 2021

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: “Thẻ vàng” của EC gây tổn thất cả về kinh tế và uy tín của thủy sản Việt Nam. Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản.

Ông Trần Đình Luân,Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp &PTNT.

Theo ông Luân, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Châu Âu sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm). Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế, xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp. Sau khi Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm từ 17 – 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Ông Luân nhấn mạnh ‘Không chỉ là chuyện gỡ “thẻ vàng” của EC mà ngay trong nội tại ngành thủy sản, chúng ta cũng thấy cần phải cải tiến để có một nghề cá phát triển bền vững’. Để đạt được mục tiêu trên, cần thống nhất nhận thức và hành động của cả thệ thống chính trị, “phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách, tập trung nguồn lực để triển khai’. Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã ban hành hàng loạt các văn bản, Chỉ thị, công điện, quyết định để chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển triển khai quyết liệt về các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành 14 quyết định, 40 văn bản chỉ đạo đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế. Đặc biệt là thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương để chấn chỉnh...

Một số kết quả của trong quyết tâm gỡ ‘thẻ vàng’ Việt Nam được EC đánh giá cao:

  • Quyết tâm nỗ lực chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết các kiến nghị của EC, công khai minh bạch kết quả kiểm tra chấn chỉnh, kiểm soát hàng thủy sản xuất sang EU.
  • Đã xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý là căn cứ để triển khai các nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp. bao gồm Luật Thủy sản năm 2017; 02 Nghị định của Chính phủ; 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 thông tư.
  • Việt Nam đã gia nhập và triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, EC cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phân luồng phân tuyến, tăng cường quản lý cường lực khai thác.

Tuy vậy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, còn rất nhiều tồn tại trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, cụ thể:

  • Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
  • Chưa xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm
  • Chưa đáp ứng được yêu cầu được nguồn nhân lực và trang thiết bị để thực hiện công tác quản lý giám sát, kiểm tra, thanh tra tại các cảng cá.

Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: Tinh thần là chúng ta phải quyết liệt để càng sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng đầu năm 2021, để làm sao không còn tàu cá vi phạm. Khi đó, việc đàm phán giữa Việt Nam và EC sẽ đạt kết quả cao. Cần tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức chấp hành Luật Thủy sản đến với ngư dân. Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp &PTNT ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nói chung và kinh phí triển khai các hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Các tỉnh, thành ven biển cần tăng cường triển khai các biện pháp thực hiện triệt để các giải pháp chống khai thác theo các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về

IUU, đặc biệt là phân bổ nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản.