Sáng 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề: “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đây là diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX đã cùng trao đổi những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX, nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức. Các diễn giả cũng đề xuất những hướng phát triển mới hơn cho khu vực kinh tế hợp tác trong tương lai, nhất là các kinh nghiệm hợp tác quốc tế cũng như ứng dụng khoa học công nghệ mới 4.0 vào sản xuất.
Diễn đàn cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ…
Nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX và tổ hợp tác, là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững.
Tăng cường sự liên kết
Các bộ ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.
“Cần xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hợp tác xã chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển kinh tế tập thể, HTX không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể.
Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Nguồn: VGP News
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25