Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (Cirad) đã ký thỏa thuận thúc đẩy đào tạo về quản lý bền vững các khu vực trồng rừng và nông nghiệp ở bốn (04) quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tổng giá trị dự án ước tính là 1,2 triệu EUR.
ASEAN hiện là khu vực có rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của các nông trường, lâm trường lớn (cao su, dầu cọ, gỗ) đã dẫn đến nạn phá rừng đáng kể và mất đa dạng sinh học đột ngột trong nhiều thập kỷ qua.
Do đó, việc phát triển quản lý bền vững các khu vực trồng rừng và nông nghiệp ở Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu cho bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là một vấn đề kinh tế và xã hội đối với các quốc gia trong khu vực.
Để đối phó với tình trạng này, Pháp, thông qua Tổ chức Cirad và AFD, hiện đang tìm cách hỗ trợ phát triển năng lực quản lý rừng và nông nghiệp bền vững tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Mục đích của dự án là nhằm đào tạo các thế hệ quản lý mới, thông qua các cách tiếp cận sáng tạo thúc đẩy cả năng suất và tính bền vững của các nông trường, lâm trường.
Dự án sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ chế hiện có tại 4 quốc gia trên như hỗ trợ đào tạo Thạc sĩ và dạy nghề cho các nhà quản lý hiện tại của các cơ sở nông, lâm nghiệp (các nông trường, lâm trường lớn, hợp tác xã có thành viên là các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).
Nội dung đào tạo sẽ tập trung vào sinh thái nông nghiệp, quản lý môi trường và xã hội, có xem xét đến vấn đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Ngoài ra, dự án sẽ tổ chức các hội thảo khu vực để nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt nhất.
Nguồn: New Straits Times
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25