Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò của nuôi biển và xây dựng mô hình cộng đồng quản lý trong giải quyết vấn đề khai thác IUU của ngành thủy sản.
Sáng 9/3, Bộ NN-PTNT họp bàn với các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Kế hoạch hành động 180 ngày theo Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).
Cần sự chung tay của ngư dân
Thông tin về thực hiện Kế hoạch 180 ngày hành động, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, ở Trung ương đã tổ chức nhiều hội nghị với các Bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” IUU; ban hành các văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện Kế hoạch hành động.
Đến nay, các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch hành động, đồng thời tăng cường nguồn lực chống khai thác IUU tại địa phương. Một số địa phương đã đẩy mạnh truyền thông, làm việc với lực lượng cảnh sát biển, biên phòng trong việc lập hồ sơ các tàu cá vi phạm; phân công cán bộ phối hợp với nghiệp đoàn nghề cá để truyền thông tăng cường tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.
Về quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá và thực thi pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, Cục Thủy sản đã tổ chức các đoàn kiểm tra và yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tàu cá không duy trì kết nối, tháo lắp sai quy định các thiết bị hành trình; rà soát, cập nhật tàu nguy cơ cao vi phạm IUU, đối với những trường hợp vi phạm, Cục Thủy sản đang đề xuất xử lý bằng hình ảnh…
Liên quan vấn đề thành lập lực lương kiểm ngư ở địa phương, đến nay mới có 8 trên tổng số 28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập lực lượng kiểm ngư, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trong Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố sớm thành lập kiểm ngư địa phương và trong Đề án IUU là trong năm nay các địa phương phải kiện toàn và thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương.
Đặc biệt là những địa phương có số lượng tàu cá lớn và hiện nay còn tình trạng vi phạm khai thác IUU, do đó, ông Nguyễn Quang Hùng đề xuất Bộ trưởng Lê Minh Hoan có thư ngỏ cho bà con ngư dân và doanh nghiệp, kết hợp với đó là truyền thông và dưới địa phương, các hội quán có sự vào cuộc của hội đoàn thể, tổ chức ở địa phương để xử lý các điểm nóng, đặc biệt là những tỉnh, huyện, xã và có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nguyên nhân, theo ông Hùng: “Với hơn 1 triệu km vuông trên biển và hơn 4 nghìn km bờ biển, phạm vi rộng như vậy thì các lực lượng không thể giải quyết triệt để nếu như ngư dân không ý thức”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Hùng cũng đề cập đến vấn đề thay đổi sinh kế cho người dân. Theo ông, cần tìm hiểu nhu cầu, văn hóa của từng vùng miền để xây dựng các dự án chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, tập trung vào hỗ trợ cho những người chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng.
Liên quan vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho rằng, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nuôi biển như cá chẽm, cá chim vây vàng… và có cơ chế để đẩy mạnh đào tạo cho ngư dân cũng như cần có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng.
Xây dựng chính sách hướng về ngư dân
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò của nuôi biển đối với quá trình giải quyết vấn đề khai thác IUU của ngành thủy sản. Theo Bộ trưởng: “Giá trị đầu tiên, lớn nhất của nuôi biển là giảm đánh bắt, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Theo Bộ trưởng, phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó yếu tố xã hội chính là con người, cụ thể ở đây là ngư dân. Vì vậy phải đổi mới cách tiếp cận trong tuyên truyền nâng cao nhận thức chống khai thác IUU.
Theo đó, các chính sách khi xây dựng cần phải hướng về ngư dân, để hiểu được họ, giải quyết được bài toán của họ, khi đó họ sự tự nguyện, tự giác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Phải kiên trì trong tuyên truyền qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững. Đồng thời tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến trong chuyển đổi nghề cho ngư dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Với Cục Thủy sản, Bộ trưởng yêu cầu cần mở rộng chuyên môn, quan tâm hơn đến đời sống của bà con nông dân, ngư dân, xây dựng cộng đồng để cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. Cụ thể, cần tổ chức lại ngành nghề, vạch ra cho ngư dân được viễn cảnh trong tương lai, thuyết phục họ bỏ khai thác, tăng nuôi trồng.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh việc nhìn nhận đúng vai trò của thương lái, đưa thương lái vào cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản để họ có thể đưa ra những lời khuyên, quy định “mềm” cho ngư dân.
Về xây dựng cộng đồng quản lý, lấy ví dụ về mô hình Hội quán ở Đồng Tháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, muốn thành công cần chứng minh được khi hợp tác lại với nhau “miếng bánh” sẽ lớn hơn, do đó cần có biện pháp truyền thông thích hợp để thuyết phục được ngư dân
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25