ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Nông nghiệp xanh từ hộ nông dân, từ hợp tác xã

30/ 09/ 2022

Theo PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nền nông nghiệp tăng trưởng xanh hãy bắt đầu từ hộ nông dân, HTX, địa phương rồi nhân ra cấp vùng, cấp quốc gia.

Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 sáng 30/9

Phải hành động, làm việc không ngừng

Tham dự Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 sáng 30/9, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho mục tiêu chung của ngành nông nghiệp về tăng trưởng xanh.

Trước hết, ông chúc mừng ngành nông nghiệp đã vượt qua được rất nhiều khó khăn trong giai đoạn 2 năm vừa qua, vươn lên trở thành trụ cột của ngành kinh tế, đưa đất nước và người dân đi qua được những giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19.

Nguyên Thứ trưởng cho rằng, Bộ NN-PTNT là Bộ không chỉ phục vụ nông dân mà còn vì người dân, toàn bộ dân số Việt Nam, ở mọi vùng miền đang được đảm bảo về an ninh lương thực trong mọi tình huống, về cả số lượng và chất lượng ngày càng được cải thiện.

“Bộ NN-PTNT đã bước rất nhanh vào chặng đường 10 năm tới với nhiều văn bản, chiến lược có thể xem như là những kim chỉ nam cho ngành”, PGS.TS Bùi Bá Bổng chia sẻ về hướng đi sắp tới của ngành

Dẫn câu hỏi “Rồi sao nữa?” của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và câu nói “Last day never come” (Sẽ không có ngày cuối cùng – PV)  của ông Li Guo, điều phối viên nông nghiệp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Bùi Bá Bổng cho rằng, câu trả lời chỉ có thể là hành động, làm việc không ngừng nghỉ để đưa ngành nông nghiệp tiếp tục đi lên

Tiếp cận từ người dân

Riêng về Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, nguyên Thứ trưởng cho rằng, nội dung của kế hoạch đã rất hoàn thiện và chi tiết nhưng cần thêm các điểm nhấn.

“Chúng ta cần thêm điểm nhấn để ghi dấu ấn, đó sẽ là chỉ dấu để thấy được chúng ta thực hiện tăng trưởng xanh thành công như thế nào”, PGS.TS Bùi Bá Bổng nói.

Ông đưa ra ví dụ về mục tiêu giảm vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa chất như phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV… thay vì đặt mục tiêu tỷ lệ trong danh mục thì cần giảm tỷ lệ người dân sử dụng mới là thực chất.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cùng với bảo vệ, phục hồi và sử dụng hợp lý các tài nguyên tự nhiên, từ đó có thể đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Về cách triển khai kế hoạch hành động này, PGS.TS Bùi Bá Bổng cho rằng phải có phạm vi hoạt động và góc độ tiếp cận từ nông dân, từ địa phương, từ hợp tác xã từ đó mới nhân ra cấp vùng rồi mới đến cấp độ quốc gia.

Cụ thể hơn, nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi ý phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tự nhiên để đẩy mạnh các chỉ tiêu về nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn hướng đi dễ thực hiện trước, ví dụ như mô hình lúa – tôm đang được triển khai tốt ở các địa phương ĐBSCL, chỉ cần chính sách tác động thêm là có thể tăng nhanh diện tích, từ 100.000ha lên 200.000ha.

PGS.TS Bùi Bá Bổng đề xuất Bộ NN-PTNT phát động chương trình xây dựng cánh đồng lúa lớn phát thải carbon thấp. “Chúng ta đã có tiền đề từ những dự án liên kết với VnSAT thời gian vừa qua, đã có nền tảng về khoa học kỹ thuật, nền tảng từ những mô hình quy mô nên có thể nhân rộng ra”, ông nói.

Một vấn đề nữa được PGS.TS Bùi Bá Bổng nhấn mạnh đó là Bộ NN-PTNT phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những phản ứng của người nông dân khi năng suất bị sụt giảm trong ngắn hạn nếu triển khai sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh.

Để nâng cao hiệu quả của tăng trưởng xanh với ngành nông nghiệp, ông cũng đề cập đến việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ vì các thành tựu khoa học công nghệ sẽ có giá trị mãi mãi, được ứng dụng lâu dài trong sản xuất.

Cuối cùng, trước những đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh để kế hoạch hành động tăng trưởng xanh này thành công, Bộ không thể đi một mình, mà cần đến sự hợp tác, hỗ trợ của các Bộ, ngành cũng như các tổ chức quốc tế.