Việt Nam và Brazil được đánh giá là có nền nông nghiệp mạnh nên cần đóng góp cho thế giới không chỉ trong thương mại, cung ứng mà còn về khoa học công nghệ.
Trong chương trình dự Hội nghị G20 và hoạt động song phương tại Brazil, chiều 17/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil.
Tại sự kiện, ông Paolo Teixeira, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Brazil đánh giá cao việc Việt Nam ủng hộ và tham gia tích cực sáng kiến về Liên minh toàn cầu chống đói nghèo; cho rằng hai nước đều là hai quốc gia nông nghiệp mạnh, trong bối cảnh nhiều người, nhiều quốc gia còn chịu cảnh đói nghèo, hai bên cần tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp cho thế giới không chỉ trong thương mại, cung ứng lương thực, thực phẩm mà còn về khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Trong khi đó, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Rio de Janeiro, Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil cùng đại diện các doanh nghiệp Brazil như tập đoàn hàng không Embraer đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác then chốt, quan trọng tại châu Á; cho biết các doanh nghiệp Brazil muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về hàng không, bán dẫn, nông nghiệp, cao su, nghề cá, công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Về phía Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Hữu Tú cho biết năm 2024, ước kim ngạch thương mại của Tập đoàn tại thị trường Brazil đạt trên 90 triệu USD, gấp gần 2 lần so với năm 2021. Các sản phẩm săm lốp của tập đoàn mang thương hiệu Cao su Đà Nẵng, Cao su Miền Nam đã được sự tín nhiệm ngày càng cao của người tiêu dùng Brazil.
Brazil là cường quốc nông nghiệp có nhu cầu nhập khẩu phân bón rất lớn, Vinachem đang nỗ lực cùng đối tác để có chuyến tàu chở những tấn phân bón chất lượng cao, những công hàng chất tẩy rửa đầu tiên mang thương hiệu của Vinachem sang Brazil ngay trong năm 2024 này.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thủ tướng cho rằng điều kiện, không gian phát triển, hợp tác của hai nước rất rộng mở trong nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa. Đáng chú ý, Brazil có diện tích rất lớn, thị trường có sức mua lớn với dân số hơn 200 triệu người.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế còn chưa tương xứng không gian, điều kiện hợp tác và mong muốn của hai bên. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Brazil và doanh nghiệp Brazil sang đầu tư ở Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy thương mại song phương; nhất là hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo, tài chính xanh, trung tâm tài chính, công nghệ sinh học, y tế…
Để tháo gỡ những điểm nghẽn để đưa hợp tác kinh tế xứng tầm quan hệ chính trị ngoại giao và mong muốn của hai bên, Thủ tướng cho rằng hai bên cần thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA với MERCOSUR, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định về thị thực và Brazil xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp ủng hộ các nỗ lực nói trên để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.
Họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV)2024/11/26
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam PSAV2024/11/22
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25