ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Mục tiêu lớn cho ngành hồ tiêu Việt Nam: An toàn, bền vững, tăng thu nhập

31/ 07/ 2022

Đến năm 2025, 75% hồ tiêu sản xuất và xuất khẩu đạt yêu cầu thị trường phát triển, 25% nông dân được tiếp cận mô hình sản xuất an toàn, cải thiện sinh kế. Ngoài ra, có ít nhất 25% nông dân trồng hồ tiêu tăng 25% thu nhập, 25.000 nông dân được tập huấn và tiếp cận dịch vụ nông nghiệp, 70.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững. Đó là mục tiêu của nhóm hợp tác công - tư ngành hàng hồ tiêu trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi sơ kết 6 tháng nhóm hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu

Thị trường yêu cầu hồ tiêu sạch

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm nhóm hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cho biết, buổi sơ kết hôm nay nhằm đánh giá và tìm hướng giải quyết một số vấn đề nổi cộm liên quan đến chất lượng chung của sản phẩm hồ tiêu Việt Nam khi xuất khẩu đến thị trường Mỹ. Đó là các hoạt chất tồn dư trên sản phẩm hồ tiêu. Nếu chưa đạt ngưỡng theo yêu cầu thì sẽ rất khó vào thị trường Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đang xây dựng ngưỡng chỉ tiêu cho phép đối với hồ tiêu của Việt Nam. Ngoài ra, buổi sơ kết hôm nay cũng tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện dự án phát triển hồ tiêu Việt Nam bền vững do EU tài trợ, thực hiện tại 3 tỉnh, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Sau hội nghị, chúng tôi sẽ ký một bản ghi nhớ về chương trình chăm sóc sức khoẻ cây trồng tổng hợp giữa Cục BVTV và 2 đơn vị khác là “Tổ chức sáng kiến gia vị bền vững” (SSI) và “Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững” (IDH)", ông Dương cho biết.

Nội dung cơ bản của biên bản ghi nhớ giữa 3 bên là hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất hồ tiêu bền vững tại Việt Nam thông qua việc quản lý, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm; Tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các đối tác công và tư nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu, đáp ứng yêu cầu thị trường; Thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn; Tăng cường chính sách và năng lực của các đối tác công nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu bền vững; kêu gọi các DN phân bón xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ ở Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo ông Dương, điều quan trọng để xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu sang thị trường Mỹ không phải là việc áp dụng quy trình canh tác gì, mà vấn đề là phải đạt ngưỡng chỉ tiêu MRL (tồn dư các chất bảo vệ thực vật tối đa cho phép) theo yêu cầu của thị trường này. “Để giải quyết vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì cả hệ thống phải vào cuộc, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp (khối tư), nhà nông. Và cả các tổ chức xã hội thuộc nhà nước như Hội Nông dân, hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Riêng nhóm tư là các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Nhóm hợp tác hiện có 8 doanh nghiệp tham gia và đang phát huy rất tốt vai trò trong nhóm công tư này. Đó là liên kết sản xuất với bà con nông dân. Ngoài giải quyết đầu ra sản phẩm, họ cũng tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con. Từ đó bà con nắm rõ quy định, quy trình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu…Còn Cục BVTV sẽ hỗ trợ các chương trình tập huấn này, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, loại nào được dùng, loại nào không nên dùng, quy trình sử dụng từ đầu cho đến khi thu hái theo nguyên tắc “4 đúng”…”, ông Dương nói tiếp.

Ngoài ra, nhóm công tư sẽ có chương trình tập huấn, đào tạo cho những nông dân nòng cốt về canh tác bền vững, sức khoẻ cây trồng, môi trường sinh thái. Chương trình giúp canh tác vẫn đảm bảo năng suất, lại vừa giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Đây là chiến lược mà Cục BVTV được tổ chức Nông – Lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2030 tầm nhìn 2050 theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT vừa được Thủ tướng ký.

Tại buổi sơ kết, hội nghị cũng đưa ra bàn thảo một số vấn đề khác mà các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế quan tâm, đó là việc sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng sản xuất hồ tiêu. Hoặc vấn đề suy thoái đất ngày một nghiêm trọng ở vùng trồng tiêu khu vực Tây Nguyên. “Giải pháp nhóm đưa ra trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 là đề xuất xây dựng chương trình sản xuất bền vững theo hướng sinh thái, nhằm hồi phục sức khoẻ cho đất.

Những ưu tiên hàng đầu

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường. “Việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Do đó sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng. Một trong những ưu tiên hàng đầu của nhóm hợp tác công tư ngành hàng hồ tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn”, ông Nguyễn Quý Dương nói.

Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật có vai trò đầu mối thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách và năng lực trong quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu xuất khẩu nhằm nhân rộng quy mô sản xuất hồ tiêu, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất an toàn và bền vững của thị trường.

Ngoài ra, theo bà Mạc Tuyết Nga, quản lý chương trình gia vị IDH Việt Nam, một số nội dung quan trọng khác nhóm hợp tác công tư hợp tác công tư (PPP) ngành hàng hồ tiêu ưu tiên, đó là chiến lược nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện lao động cho nông dân, đặc biệt là lao động nữ, đảm bảo hợp tác giữa khối công và tư để kiểm soát hiệu quả mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu đáp ứng yêu cầu thị trường; Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các cam kết về bền vững và giúp nông dân áp dụng sáng kiến, thực hành bền vững cho tăng trưởng toàn diện.