ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Môi trường sạch tạo cuộc sống xanh

07/ 12/ 2022

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông nghiệp, việc bảo vệ môi trường và sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm đang là một thách thức lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là nền tảng để người nông dân nâng cao chất lượng sống của chính mình và sản xuất được những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Người dân tỉnh Lâm Đồng thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật để đổi các sản phẩm thiết yếu

Câu chuyện từ tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đứng đầu cả nước. Tuy nhiên việc xử lý rác thải nông nghiệp vẫn là vấn đề nan giải với địa phương này.

Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng, chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 80% mảng nông nghiệp. Hiện nay toàn tỉnh có 300 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích canh tác công nghệ cao đang dẫn đầu cả nước với 65.308 ha.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng cho biết, bên cạnh những hiệu quả mang lại của phát triển nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng thì rác thải trong sản xuất như phụ phẩm cây trồng, bao gói thuốc BVTV, phân bón, màng phủ… chưa được thu gom và xử lý triệt để. Theo thống kê, mỗi năm lượng bao gói thuốc BVTV trên toàn tỉnh ước tính lên đến 200 tấn. Để quản lý việc này, UBND tỉnh  đã ban hành một kế hoạch riêng  (kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017) để thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn.

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt được 3.165 bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn. Tuy nhiên lượng bao gói được thu gom mới đạt 18,1% (33,5 tấn), còn lại phần lớn vẫn được bà con tiêu hủy theo hình thức thu gom cùng rác thải gia đình để chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Chứng kiến sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư để phát triển các vùng nguyên liệu của mình. Trong quá trình đó, các đơn vị này đã có nhiều hoạt động thiết thực đồng hành với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng triển khai các chương trình để tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp an toàn, bền vững.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết việc hưởng ứng "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030" (Quyết định số 150/QĐ-TTg năm 2015) đã tạo nền tảng để các đơn vị cùng tham gia xây dựng một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Ông Vũ cũng cho biết thêm Syngenta Việt Nam đã cùng với các đơn vị quản lý ngành nông nghiệp của các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Lâm Đồng phát động chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" trong suốt 8 năm qua.

Tính đến nay đã, Syngenta tổ chức tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho cho hơn 15.000 nông dân; hơn 80 tấn vỏ bao gói thuốc được thu gom và tiêu huỷ. Chiến dịch được phát động tại 15 huyện/tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó giúp nông dân sử dụng thuốc BVTV tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" để quản lý sâu bệnh hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, môi trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ xuất khẩu.

Phát triển "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh"

Chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" do Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp với Chi Cục trồng trọt và BVTV nhiều địa phương thực hiện trong suốt 8 năm qua. Năm nay, chiến dịch được tổ chức tại các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Lâm Đồng. Chiến dịch đã tạo được sự lan tỏa và bước đầu làm cải thiện thói quen và nhận thức của người nông dân về sử dụng thuốc BVTV

Chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" đã tổ chức được 8 năm tại nhiều địa phương trên cả nước

Ngày 7/12, Chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" lần thứ 8 được phát động tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động, bà Nguyễn Thị Ngãi, nông dân xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) vội vã đi vào khu thu gom rác thải nông nghiệp của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam giao cho cán bộ kỹ thuật mấy bao tải to là các loại rác thải của gia đình trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sau khi cân số lượng rác thải, bà Ngãi vui vẻ nhận những phần quà là dầu ăn, đường, bột nêm...

Bà Ngãi cho biết: "Nhờ được các cán bộ khuyến nông tuyên truyền, người dân xã Tu Tra chúng tôi ngày càng có ý thức trong việc sản xuất thân thiện với môi trường. Vì vậy, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bao gói phân bón,... đều được chúng tôi tập kết đúng vị trí để không ảnh hưởng đến môi trường. Nay, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam còn tổ chức thu gom, đổi lấy quà thì còn gì vui bằng".

Ông Trương Ngọc Hoàng (thôn Lạc Nghiệp, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) có hơn 22.000 m2 chuyên canh tác rau màu nên số lượng rác thải là các loại bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bao gói phân bón... là rất lớn. Ông Hoàng cho biết: "Trước đây, chúng tôi chỉ biết thu gom lại một lượt rồi đốt, nhiều nhà còn tiện tay vứt thẳng ra ngoài môi trường rất nguy hiểm. Từ khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chúng tôi thu gom lại, để đúng nơi quy định để doanh nghiệp đến thu gom, xử lý".

Nếu chỉ gom vỏ dạng "ve chai" để đổi những đồ gia vị như trên có lẽ cũng chưa đủ hấp dẫn để người dân thay đổi thói quen tiêu hủy vỏ thuốc BVTV của mình. Ông Hoàng cho biết thêm, ông đang chuẩn bị ruộng sạch để tham gia mô hình trồng trọt liên kết của Công ty Syngenta. Một trong những yêu cầu của mô hình là phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng", bao gói thuốc BVTV phải được tập kết đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường, chính vì vậy gia đình ông đã nghiêm túc thực hiện việc thu gom vỏ bao thuốc BVTV để tiêu hủy đúng quy định.

Chiến dịch "Môi trường sạch – Cuộc sống xanh" năm nay được thực hiện tương tự các năm trước. Khi tham gia chương trình, bà con sẽ thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng bị vứt trên đồng ruộng, trong các vườn cây ăn quả và những nơi công cộng… để mang đến các điểm quy đổi ở 4 tỉnh, thành phố và nhận những phần quà thiết thực. Tất cả các vỏ bao gói thuốc BVTV thu được sẽ tập kết và xử lý theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường của Tập đoàn Syngenta toàn cầu.

Việc thu gom bao gói trên đồng ruộng là việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân về bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, vì sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, Syngenta và chính quyền địa phương cùng tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn nông dân, hướng dẫn cách thức sử dụng thuốc BVTV đúng cách, song song thực hiện thu thập chữ ký của bà con nông dân trong cam kết bảo vệ môi trường xanh, phát triển bền vững.   

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng chia sẻ để đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% rác thải nông nghiệp được thu gom đúng quy định, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Ông Chiến cho rằng những chiến dịch như thế này nếu được lan tỏa sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn