Sáng 8/12, Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2022 'Chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam' đã diễn ra tại Hà Nội
Cùng nhau hành động
Hội nghị do Bộ NN-PTNT tổ chức với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các Sở NN-PTNT thuộc 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước, các hội, hiệp hội...
Hội nghị toàn thể ISG là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NN-PTNT với các đối tác quốc tế và các bên có liên quan nhằm chia sẻ các chủ trương, chính sách và thảo luận về các vấn đề mà các bên cùng quan tâm để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ trong thực hiện các cam kết quốc tế và các mục tiêu phát triển của Việt Nam nói chung và ngành NN-PTNT nói riêng.
Bộ NN-PTNT đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững với mục tiêu góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 2030; tham gia tích cực vào đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu.
Hội nghị toàn thể ISG 2022 nhằm tham vấn với các đối tác quốc tế và các bên liên quan về dự thảo Kế hoạch hành động.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vừa kết thúc với thông điệp xuyên suốt là "cùng nhau hành động", nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cùng hành động, chuyển đổi các tuyên bố, cam kết thành kết quả và hành động cụ thể với các chủ đề: tài chính khí hậu, khoa học - công nghệ, khử cac-bon, lâm nghiệp, tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và các biện pháp ứng phó…
Những nội dung này đều ít nhiều tác động tới nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm của các quốc gia. Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: "Để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là cần thiết, nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bộ trưởng tin tưởng với "tư duy đổi mới" và "cùng hành động", các Bộ, ban, ngành liên quan, các đối tác quốc tế sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng, bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động. Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững và "không ai bị bỏ lại phía sau".
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Remi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, FAO và các thành viên đã đưa ra nhiều khuôn khổ quan trọng như Chương trình sản xuất nông nghiệp theo mô hình sinh thái áp dụng cho lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, Chương trình toàn cầu về quản lý ngành chăn nuôi bền vững, Chương trình về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu... đây là những giải pháp mang tính bước đệm giúp các quốc gia đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm.
Đại diện FAO cho biết, hội nghị sẽ lấy ý kiến về dự thảo Quốc gia về Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, một phần trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Hội nghị có thể tranh thủ được các kiến thức và kinh nghiệm dồi dào tích lũy được từ quá trình triển khai rất nhiều chương trình, dự án, giúp xây dựng một tầm nhìn chung và một phương pháp tiếp cận mang tính tổng thể cho việc phát triển bền vững ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản, đảm bảo các hệ thống lương thực đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay cũng như các thế hệ mai sau liên quan tới các sản phẩm và dịch vụ của ngành, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong việc thụ hưởng các lợi ích kinh tế, xã hội, sức khỏe và môi trường", ông Remi Nono Womdim cho biết.
Tại hội nghị, đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trưởng đại diện FAO, IFAD, các đối tác quốc tế đã tham gia phiên đối thoại về chính sách và nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế để hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững và chia kinh nghiệm các mô hình chuyển đổi thành công.
Phải hiểu cảm xúc người dân
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng ta hành động hôm nay không phải cho riêng chúng ta, không phải cho riêng Việt Nam mà cho cả một hành tinh. Hành động không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn. Hôm nay, chúng ta gieo để ngày mai chúng ta thu hái nhưng cần gieo thế nào cho sạch đúng như phương châm sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Theo Bộ trưởng, sự thay đổi, chuyển đổi cần cân nhắc nhiều giữa mục tiêu dài hạn, lý tưởng cao đẹp cho một thế giới đẹp hơn, hành tinh xanh và bữa cơm hàng ngày của người dân thu nhập thấp.
“Mọi chiến lược đều không thành công nếu không hiểu cảm xúc người nông dân. Cả thế giới nói lấy người dân làm trung tâm trong mọi sự hoạch định chiến lược, đôi khi chúng ta làm chưa hết hoặc chưa hiểu hết thế nào là lấy người dân làm trung tâm”, ông Lê Minh Hoan trăn trở.
Theo Bộ trưởng, cần hiểu được cảm xúc, năng lực, phân nhỏ nhóm đối tượng nông dân, để có những kế hoạch hành động, truyền thông nâng cao nhận thức phù hợp để người nông dân hiểu được thay đổi là điều cần thiết.
“Sau đó, chúng ta có thể nói với người nông dần rằng, hãy thay đổi đi vì có những chuyên gia, nhà khoa học, nhà tài trợ luôn đứng phía sau để hỗ trợ, tư vấn, truyền cảm hứng. Như vậy, người dân không cần phải phân vân nữa vì họ biết đứng phía sau họ có cả một hệ sinh thái luôn cùng đồng hành, trăn trở”, Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25