Trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm tăng do sự gia tăng về dân số, thu nhập và đô thị hóa ở ASEAN, đầu tư vào nông nghiệp là điều cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, những hoạt động đầu tư này cũng có thể tác động tiêu cực đến người dân địa phương nếu không đảm bảo hài hòa các yếu tố về kinh tế - xã hội và môi trường. Trong quá trình thu hút và quản lý đầu tư vào nông nghiệp, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan chính phủ có thể thúc đẩy các khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội và bền vững về tài chính đem lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, nhà đầu tư và xã hội.
Với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO), Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO /IPSARD) đã tổ chức “Khóa tập huấn và đánh giá sự phù hợp của khung pháp lý Việt Nam với Hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp (ASEAN RAI)” trong 3 ngày từ 29-31/3/2023 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sư tham gia của 24 cán bộ cao cấp đến từ các đơn vị quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Khóa tập huấn hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý về Hướng dẫn ASEAN RAI và thảo luận để đưa ra kết quả đánh giá về sự phù hợp của khung pháp lý Việt Nam với ASEAN RAI nhằm xác định những khoảng trống chính sách cần sửa đổi để thúc đẩy việc áp dụng ASEAN RAI tại Việt Nam. 02 ngày đầu của khóa tập huấn tập trung tìm hiểu nội dung chi tiết và đưa ra kết quả đánh giá về 10 nguyên tắc của Hướng dẫn ASEAN RAI. Ngày cuối cùng của khóa tập huấn tập trung vào thảo luận đề xuất định hướng và giải pháp đồng thời xây dựng kế hoạch hành động trong tương lai để thúc đẩy việc lồng ghép các hướng dẫn ASEAN RAI vào khung pháp lý của quốc gia cũng như thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm trên thực tiễn.
Hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp (ASEAN RAI) đã được xây dựng và thông qua năm 2018 bằng một phương pháp toàn diện, với sự tham gia của nhiều bên liên quan và sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, Sáng kiến Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia), Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC), Quỹ ủy thác của Ngân hàng Thế giới và Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD). Hướng dẫn ASEAN RAI hướng tới mục tiêu thúc đẩy đầu tư vào lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp trong khu vực ASEAN, góp phần phát triển kinh tế khu vực, an ninh lương thực và dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và lợi ích công bằng, cũng như sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Hướng dẫn ASEAN RAI gồm 10 nguyên tắc về: Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) mà các nhà đầu tư cần tuân thủ có trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu luật pháp của các quốc gia ASEAN. Hướng dẫn này được gửi đến Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN để điều chỉnh phù hợp với các thách thức cụ thể của từng quốc gia và được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Để hỗ trợ việc thực hiện ASEAN RAI, FAO đã phối hợp với các bên liên quan để xây dựng bộ công cụ đánh giá mức độ phù hợp Đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm ASEAN RAI. Việc hoàn thiện công cụ đánh giá sự phù hợp có thể giúp các nước ASEAN xác định mức độ phù hợp của các khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế của quốc gia với ASEAN RAI đồng thời giúp xác định những khoảng trống cần cải cách hoặc các hành động chính sách cần được ưu tiên để thực hiện tốt hơn ASEAN RAI. Tại Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với AGROINFO hỗ trợ triển khai quá trình đánh giá này.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25