ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Họp thường niên Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam PSAV

17/ 05/ 2019

Ngày 17/5 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và đối thoại Công – tư (PPP). Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và bà Marion Martinez, Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam, Giám đốc điều hành Yara Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu khai mạc hội nghị.

Sau 9 năm hoạt động tại Việt Nam, Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) đã triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng và mới thành lập thêm 1 Nhóm công tác PPP ngành Chăn nuôi. Để tăng cường hiệu quả hoạt động của mình, PSAV đã có những cải cách và thay đổi để đạt được những kết quả mới, hoàn thiện hơn cơ chế hợp tác, tiến hành đánh giá hoạt động của các Nhóm, từ đó tái cấu trúc lại các Nhóm công tác PPP ngành hàng.

Theo các đại biểu, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, đầu tư theo hình thức PPP là một trong những giải pháp căn cơ để thu hút đầu tư vào ngành, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững trong đó tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông lâm thủy sản

Bà Marion Martinez, Giám đốc điều hành Yara Việt Nam cho biết, trên cơ sở đánh giá các mô hình để nhân rộng, cần chú trọng tạo ra kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị, làm sao kết nối để nông dân sử dụng được những vật tư đầu vào nông nghiệp chất lượng, với giá thành thấp, hỗ trợ nông dân nguồn vốn vay qua đó giải quyết tình trạng cung vượt cầu trong sản xuất nông sản, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, dù đã có mô hình tốt nhưng sự lan tỏa và nhân rộng mô hình PPP còn hạn chế. Chính vì vậy, thời gian tới phải làm sao để sự tham gia hỗ trợ của khối quản lý nhà nước và địa phương trong xây dựng chính sách nhanh hơn và hiệu quả hơn nữa; theo đó, phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và bền vững hơn; đồng thời tổ chức lại sản xuất nhằm tạo ra những mối liên kết chuỗi giá trị mà doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt các đối tác khác cùng phát triển.