Chiều 1/11, PSAV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ký Bản ghi nhớ về Hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm ở Việt Nam.
Tập đoàn C.P, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) thuộc Bộ NN-PTNT ký kết Biên bản ghi nhớ “Hợp tác công tư thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam” tại Bộ NN-PTNT, chiều 1/11.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho biết, hợp tác công tư là một trong những hình thức quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam theo hướng bền vững. Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2021, Việt Nam sẽ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Ngày 28/3/2023, Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt. Trong quá trình này, ngành nông nghiệp đã phối hợp tích cực với khu vực doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn C.P. Ngoài tham gia phát triển chuỗi giá trị bền vững, tập đoàn còn tích cực tham gia trong phát triển cộng đồng, bảo tồn các vườn quốc gia tại Việt Nam...
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ là một hoạt động mang tính chiến lược trong hợp tác phát triển cũng như giúp chính thức hóa các hợp tác giữa hai bên để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.
Ông Adirek Sripratak, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn C.P, Chủ tịch Tập đoàn CPF, khẳng định, Tập đoàn C.P sẽ luôn nỗ lực hết sức để đạt được kết quả và lợi ích hài hòa cho đất nước, người dân Việt Nam và cho doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Ông Montri Suwanposri, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết: “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị cho nông sản, cải thiện cuộc sống của nông dân, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức trong sản xuất nông nghiệp không còn là xu hướng mà đã là trách nhiệm của các bên để hiện thực hóa bằng các mục tiêu cụ thể”.
Trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn C.P tại Thái Lan vào tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giới thiệu về dự án Bảo tồn Sếu đầu đỏ - một loài chim sếu linh thiêng, quý hiếm của nhân loại nói chung và đàn sếu Phương Đông (Eastern Sarus Crane) của Thái Lan và Việt Nam nói riêng.
Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ giữa Tổ chức động vật học Thái Lan (ZPOT) và tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Tập đoàn C.P và C.P Việt Nam đồng hành cùng với Dự án bảo tồn Sếu đầu đỏ về lĩnh vực truyền thông, ngôn ngữ dịch thuật, hậu cần và tài chính trong 5 năm.
“Hy vọng rằng những đôi chim Sếu đầu đỏ từ Sở thú Korat sẽ sớm được chuyển đến Vườn Quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới và đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ của Việt Nam đạt được thành công tốt đẹp”, ông Montri kỳ vọng.
Chia sẻ tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hợp tác theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là một trong những chiến lược quan trọng mà Bộ NN-PTNT luôn hướng tới để tạo ra những động lực mới cho ngành. Bộ trưởng đánh giá cao sự tham gia của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trong Nhóm công tác PPP về Chăn nuôi, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người nông dân và các đối tác khác trong chuỗi giá trị chăn nuôi. Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, Bản ghi nhớ sẽ mở ra một con đường dài cho Bộ và tỉnh Đồng Tháp.
Bộ trưởng cho rằng, với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, con người hay doanh nghiệp cũng cần sự mở rộng để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Tư lệnh ngành nông nghiệp mong muốn, Bản ghi nhớ hợp tác sẽ được thực hiện trên tinh thần mở ra không gian tư duy, không gian hợp tác và giá trị mới, hướng tới cộng hưởng sức mạnh của nhau, tạo ra nền tảng phát triển tốt nhất của hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - một trong những tỉnh đi đầu trong kết nối hợp tác với C.P trong các chương trình phát triển cộng đồng và bảo tồn - cho biết, trong thời gian qua, Đồng Tháp đã rất tích cực xây dựng đề án đưa tỉnh trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, sinh thái và văn minh.
Ông Phong cho biết, sự hợp tác với C.P thông qua triển khai đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp và các hoạt động thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng trái cây, thúc đẩy hình thành và chuẩn hóa chuỗi sản phẩm OCOP, ... là một trong những bước đi đầu tiên, cơ bản và có ý nghĩa với tỉnh trong xây dựng nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Việc kí kết lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam
Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm: 'Chìa khóa' phát triển nông nghiệp bền vững2024/13/12
Họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV)2024/11/26
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam PSAV2024/11/22
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18