Sáng ngày 18 tháng 12, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Chè Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH cùng phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết ngành chè 2020 và 5 năm chương trình hợp tác công tư phát triển bền vững ngành Chè.
Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện khoa học nông lâm miền núi phía Bắc,… Về phía các đơn vị khối tư có các công ty sản xuất chè, hợp tác xã đại diện cho nông dân trồng chè, tập đoàn mua chè quốc tế tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123 nghìn ha. Từ đầu năm đến nay, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, song chè là một trong những sản phẩm duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu chè của Việt Nam sang nhiều thị trường chính được đảm bảo ổn định. Theo báo cáo tổng kết toàn ngành chè 2020, sản xuất 11 tháng đạt 175.000 tấn, ước cả năm đạt 180.000 tấn. Xuất khẩu chè chính ngạch 11 tháng đạt 124.000 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu dùng nội địa ước tính cả năm vẫn duy trì ở mức 45.000 tấn với cơ cấu sản phẩm 51% chè đen, 48% chè xanh và 1% chè khác.
Chia sẻ khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm trong 5 năm qua, Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết “thời gian qua, ngành chè nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Ngoài những nỗ lực chung của doanh nghiệp và địa phương còn có sự quan tâm của nhà nước, hiệp hội, đặc biệt là chương trình nghiên cứu giống phát triển chè đã được triển khai trong suốt 20 năm qua. Chương trình đã tạo ra hơn 30 giống chè mới, chất lương cao và 60% tổng diện tích sản xuất chè của Việt Nam đã áp dụng các giống này. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Công tác hợp tác phát triển ngành theo hướng bền vững thông qua thúc đẩy hợp tác công tư những năm qua đã đạt được kết quả cao như: Nông hộ chè tham gia vào chuỗi chè bền vững (Rainforest Alliances, VECO); Chất lượng và phát triển bền vững ngành chè Việt Nam (IDH); Hỗ trợ phát triển bền vững chè Shan Tuyết núi cao tại Việt Nam (VITAS);…”
Tại hội thảo, tham luận của các đơn vị tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác giống, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường... với ngành chè. Ngoài ra, mục tiêu tổng quát ngành chè trong giai đoạn 2021 – 2025: Quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật bền vững trong ngành chè Việt Nam; Cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam thông qua Tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm Hợp tác Công tư.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25