Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo thảo luận đề xuất Dự án Phát triển bền vững ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội thảo.
Dự án Phát triển bền vững ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả tại Việt Nam sẽ được thực hiện tại một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các Hiệp hội điều, hồ tiêu, cây ăn quả và 15 tỉnh gồm: Bình Phước, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Quảng Trị (đối với ngành hàng điều, hồ tiêu) và Bình Thuận, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hưng Yên, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang (đối với ngành hàng cây ăn quả, trong đó tập trung vào cam, bưởi, sầu riêng, nhãn, xoài và thanh long). Dự án cũng sẽ đầu tư để phát triển logistics gồm hệ thống kho bãi, hệ thống kho lanh, kho mát bảo quản quả tươi tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hai ngành hàng lúa gạo và cà phê đã được hỗ trợ bởi dự án VNSAT do Ngân hàng thế giới tài trợ. Còn lại ba ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả cũng là ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, nhưng các ngành hàng này đang có những hạn chế, tồn tại và cần được hỗ trợ thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) và nông dân.
Dự án Phát triển bền vững ngành hàng Điều, Hồ tiêu và Cây ăn quả tại Việt Nam được phê duyệt sẽ giải quyết các thách thức đang đặt ra cho các ngành hàng này của Việt Nam. Đó là vấn đề cung cấp sản phẩm điều, hồ tiêu và cây ăn quả chất lượng cho các nhà máy chế biến với chi phí cạnh tranh. Bên cạnh đó, dự án sẽ thúc đẩy việc sản xuất điều, hồ tiêu, cây ăn quả có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính.
Một lợi ích khác của dự án là cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản cho hoạt động nông nghiệp - công nghiệp như tiếp cận với năng lượng, mạng lưới đường và các trung tâm công nghệ. Cuối cùng là điều chỉnh các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thuế và các điều chỉnh chính sách khác, tạo thêm việc làm cho thanh niên.
Đối với ngành điều, Việt Nam hiện là một trong ba nước xuất khẩu điều thô lớn nhất trên thế giới. Tuy đứng tốp 3 về sản xuất điều thô nhưng Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong 10 năm liên tiếp. Thị trường tiêu thụ điều nhân lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, sau đó là Trung Quốc, Hà Lan. Tuy nhiên, hàng năm, Việt Nam phải dành khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu điều thô từ Bờ biển Ngà, Nigieria, Campuchia và một số nước khác. Chính phủ đang có kế hoạch tăng sản xuất điều để giảm bớt lượng nhập khẩu điều thô từ nước ngoài.
Đối với ngành cây ăn quả, diện tích trồng đã liên tục tăng lên, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm một tăng cao. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu rau quả đứng thứ 3 trong số 5 nhà xuất khẩu chính khu vực ASEAN, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan.
Với mặt hàng hồ tiêu, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh. Đến hết năm 2017 có 153 ngàn ha, tăng gần 200% so với năm 2010. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đạt 244 ngàn tấn năm 2017, chiếm 50% sản lượng hồ tiêu của thế giới. Hiện, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu hồ tiêu. Lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 1,12 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng từ 40 nước (2014) lên trên 90 nước.
Dự án Phát triển bền vững ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả ra đời căn cứ kết luận của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị Phát triển bền vững ngành điều, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng điều, hồ tiêu, cây ăn quả theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao ở một số tỉnh tại Việt Nam.
(nguồn: omard.gov.vn)
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25