Sáng 15 tháng 11 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê. Hội thảo do Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với Viện Khoa học phát triển nông thôn (SIRD), Tổ chức phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) tổ chức. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và PTNT và ông Ông Hoàng Thành Vĩnh – Cán bộ quản lý chương trình về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn. Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các Cơ quan có liên quan của Bộ, các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế và phi chính phủ
Hội thảo hướng tới mục tiêu chia sẻ kết quả hoạt động nâng cao năng lực về kinh tế tuần hoàn thông qua các khóa học tại Đồng bằng sông Cửu Long và Sơn La, đưa ra báo cáo và thảo luận kết quả nhận diện, phân tích các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn tiềm năng trong chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê. Cùng với đó là tham vấn các biện pháp nâng cấp và phổ biến mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn nhằm hỗ trợ chính sách phát triển tại địa phương.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ rằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Kinh tế tuần hoàn cho phép tái sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, biến "rác thải" thành "tài nguyên". Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với lượng rơm rạ dồi dào, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí methane, đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ, và các vật liệu che phủ đất trồng trọt. Còn tại Sơn La, kinh tế tuần hoàn giúp các nông dân và doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm cà phê, biến chúng thành nguyên liệu cho sản xuất phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi, mang lại lợi ích kinh tế đồng thời giảm tác động môi trường. Đây là xu hướng tất yếu để hướng tới nông nghiệp bền vững, và chính là mục tiêu của PSAV cùng các đối tác trong việc tổ chức các khoá tập huấn và hội thảo hôm nay.
Ông Châu cũng gửi lời cảm ơn đến Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI), và Viện Khoa học Phát triển nông thôn (SIRD) đã đồng hành cùng PSAV trong quá trình thực hiện khóa tập và hội thảo ngày hôm nay. Qua chuỗi sự kiện này, ông Châu mong những kiến thức cơ bản và thiết thực nhất về kinh tế tuần hoàn sẽ được phổ biến và áp dụng rộng rãi hơn nữa, góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25
Họp rà soát đánh giá hoạt động Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam2024/09/09