ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca

22/ 07/ 2022

Sáng ngày 22/7/2022, tại thành phố Đà Lạt, Tổng cục Lâm nghiệp phối với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, GS. TS. Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến mắc ca… của 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai) và 4 tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên).

PGS.TS. Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, GS. TS. Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội nghị.

PGS.TS. Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ở Việt Nam, mắc ca là cây nhập nội từ năm 1990, thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Đến nay, cả nước có 29 tỉnh/thành phố trồng mắc ca, với tổng diện tích hơn 20.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; có 13 dòng mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao.

Việc phát triển mắc ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, do tình trạng phát triển mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả.

Mặt khác, quá trình chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các địa phương có trồng mắc ca xây dựng Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án đã được phê duyệt vào ngày 15/3/2022. Đề án sẽ định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển mắc ca bền vững trong thời gian tới, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Hội nghị lần này tổ chức nhằm khái quát chung về mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cần triển khai; trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và PTNT của các tỉnh/thành phố trong vùng trồng cây mắc ca; sự phối hợp, vai trò cầu nối của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hội viên để tổ chức sản xuất mắc ca trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là cơ hội để địa phương giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, du lịch thành phố Đà Lạt, tiềm năng và thế mạnh của ngành nông nghiệp Lâm Đồng nói chung và tình hình phát triển cây mắc ca nói riêng. Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội để xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giữa các địa phương, nhất là trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tại Hội nghị, các địa biểu đã được nghe ông Triệu Văn Lực - Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) trình bày tóm tắt một số điểm chính của Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Kế hoạch số 3683/KH-BNN-TCLN ngày 09/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nghe các báo cáo tham luận về triển khai, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển mắc ca tại địa phương như: Hiện trạng và giải pháp phát triển chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Chi cục Trồng trọt và BVTV - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng); Công tác quản lý giống mắc ca trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk); Phát triển mắc ca trên đất lâm nghiệp, khó khăn và giải pháp thực hiện (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông); Kinh nghiệm phát triển mắc ca theo hướng trồng xen với cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai)… và một số trao đổi, thảo luận của các doanh nghiệp, tổ hợp tác trồng, chế biến, xuất khẩu mắc ca trong và ngoài tỉnh.