ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu Việt Nam năm 2022

27/ 11/ 2022

Chiều ngày 09/11/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu Việt Nam năm 2022.

Trao thưởng cho cho các nông dân trồng Hồ tiêu, HTX và các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất và xuất khẩu Hồ tiêu 2021-2022

Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại năm 2022 do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chủ trì thực hiện với mục đích:

– Quảng bá cho Hồ tiêu Việt Nam, là dịp gặp gỡ và trao đổi giữa các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam với các nhà thương mại Hồ tiêu thế giới. Đây cũng là cơ hội để khách hàng nắm rõ hơn về sản xuất và thị trường Hồ tiêu Việt Nam, góp phần gia tăng xuất khẩu cho Hồ tiêu Việt Nam;

– Xác định những cơ hội và thử thách đang đặt ra cho ngành Hồ tiêu, hiểu rõ hơn về sản xuất và chất lượng Hồ tiêu Việt Nam;

– Cập nhật các yêu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu thông qua lăng kính của các chuyên gia đến từ ngành Hồ tiêu và Gia vị nổi tiếng toàn cầu, qua đó giúp các bên trong chuỗi cung ứng ngành Hồ tiêu Việt Nam có thể đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nhập khẩu và thúc đẩy ngành Hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA), Hiệp hội Thương mại Gia vị Mỹ (ASTA), IDH Hà Lan, đại diện Bộ Nông nghiệp Cambodia, Malaysi, Sri Lanka, Ủy ban Gia vị Ấn Độ và đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam như IDH, SIPPO, CRED, PSAV… cùng với hơn 200 đại biểu trong đó có hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Malaysia, Sri Lanka, Cambodia, Hà Lan, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Nga… và hơn 150 đại biểu đại diện của hơn 100 doanh nghiệp trong nước tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu Hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022 nước ta xuất khẩu ước đạt 225.000 tấn, chiếm đến 55% tổng lượng xuất khẩu Hồ tiêu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để ngành Hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững và các sản phẩm tiêu của Việt Nam khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế một cách bền vững, ngành Hồ tiêu Việt Nam cần nổ lực nhiều hơn nữa.

“Thứ nhất là tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Thứ hai là áp dụng các công nghệ quản lý sản xuất, truy xuất và kết nối khách hàng để sử dụng các hệ thống công nghệ phục vụ cho hoạt động marketing. Thứ ba là định hướng lại chiến lược xây dựng lại hình ảnh tăng cường sự hiện diện ở các thị trường quan trọng, có chiến lược phát triển cụ thể và đo lường tính hiệu quả cụ thể về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp”, ông Vũ Bá Phú nói.Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, yêu cầu chất lượng của các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe. Do đó, để đảm bảo được giá trị ngành hàng, nâng cao chất lượng đã trở thành cấp thiết. Điều này cần được sự quan tâm đặc biệt từ ngành nông nghiệp và các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng. Hội nghị cũng đã nghe tham luận của đại diện ESA, ASTA, IDH với những thông tin và yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Cũng trong Hội nghị, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về: “Xây dựng chuỗi cung ứng Hồ tiêu và các cây gia vị gồm sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ”. Biên bản thỏa thuận bao gồm các nội dung (i) Bảo đảm sự phối hợp và hợp tác giữa các bên để thúc đẩy phát triển bền vững cây Hồ tiêu và các cây gia vị khác tại tỉnh Đắk Lắk; (ii) Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ Hồ tiêu; (iii) Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; (iv) Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Hồ tiêu thông qua mở rộng các chuỗi liên kết; (v) Tổ chức nghiên cứu khoa học về giống Hồ tiêu; (vi) Thành lập trung tâm sản xuất và cung cấp giống Hồ tiêu sạch bệnh, đảm bảo chất lượng, được công nhận; (vii) Nghiên cứu khả năng hợp tác, các bên cùng phối hợp xây dựng trung tâm giống Hồ tiêu theo hình thức đối tác công – tư; (viii) Tổ chức nghiên cứu giải pháp chế biến sâu, tạo thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng về Hồ tiêu và các cây gia vị; (ix) Tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức ngành hàng tại nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu để tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững và hiệu quả. Với biên bản thỏa thuận này thì dự kiến trong tương lai cây Hồ tiêu và gia vị ở Đắk Lắk sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển với sự hỗ trợ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.

Trước đó, sáng ngày 09/11, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức buổi tập huấn cho hơn 100 nông dân trồng Hồ tiêu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai về kỹ thuật canh tác Hồ tiêu phát triển bền vững. Hội thảo đã giới thiệu những phương thức canh tác mới phù hợp với yêu cầu của các thị trường nhập khẩu do chuyên gia IDH Việt Nam và Hiệp hội chia sẻ