Bà Hoàng Thị Liên – Giám đốc điều hành Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết, từ nhu cầu chia sẻ thông tin hỗ trợ bà con nông dân trong cộng đồng các nước thành viên, IPC đã đề xuất xây dựng ứng dụng hướng đến nông dân.
Phần mềm có tên tiếng Anh là IPC Farmer App, về cơ bản có 2 chức năng chính là định hướng cho nông dân quy trình canh tác chuẩn, đây cũng là vấn đề nổi cộm trong các nước IPC hiện nay trong đó có Việt Nam. Ấn Độ và In-đô-nê-xia là hai nước gặp nhiều vấn đề trong việc kiểm soát dư lượng thuốc kháng sinh, chất lượng sản phẩm. Dự án chung đã được thông qua, sau đó đưa về từng nước và được ngôn ngữ hóa theo nước bản địa. Hiện tại, IPC đã tìm được đối tác hỗ trợ về tài chính và thực hiện là In-đô-nê-xia và Ấn Độ.
Chức năng thứ hai của phần mềm là quản lý thông tin thị trường trao đổi giữa nông dân các nước. Trên cơ sở tham khảo giá trên mạng của IPC, bà con nông dân có thể đưa ra giá phù hợp mong muốn. Bên cạnh đó, trong tương lai phần mềm muốn cung cấp các quy định về quản lý chất lượng, các rào cản thương mại hiện nay các nước đang áp dụng chủ yếu là EU và Mỹ.
Năm 2017, ý tưởng và thiết kế phần mềm IPC Farmer App đã được thông qua. Đến đầu năm 2018, IPC Farmer App đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của hai nước thành viên là In-đô-nê-xia và Ấn Độ, và sẽ được chạy thử nghiệm trong tháng 7/2018. Qua đó, nông dân các nước thành viên IPC có thể tiếp cận với các quy trình canh tác tiêu chuẩn, được chia sẻ thông tin thị trường nhằm hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững, nâng cao thu nhập.
Chiều ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc với bà Hoàng Thị Liên và hoan nghênh dự án xây dựng phần mềm này bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Bà Liên hy vọng sự tham gia thực hiện sẽ giúp Việt Nam xây dựng lại hình ảnh quản lý chất lượng tiêu bền vững trong bối cảnh thị trường hồ tiêu đang xuống dốc. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu xem xét tính phù hợp nếu tham gia dự án bởi Việt Nam hiện đã xây dựng được quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn. Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp xem xét là Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối.
Hiện giá hồ tiêu thế giới đang trong chu kỳ rớt giá từ năm 2015, theo một số dự báo của các chuyên gia ngành hàng hồ tiêu, chu kỳ này có thể còn tiếp diễn trong 2-3 năm tới bởi vì nhu cầu hiện nay của thị trường thế giới chỉ tăng khoảng 2 – 2,4%, tương đương mức tăng 11.000 tấn tiêu mỗi năm, trong khi sản lượng của các nước sản xuất chính ổn định, với nguồn cung ra thị trường khoảng 40.000 tấn mỗi năm, tạo ra sự chênh lệch cung – cầu rất lớn.
Hiệp Hội Hồ tiêu Quốc Tế là tổ chức liên chính phủ của các nước sản xuất hồ tiêu được thành lập từ năm 1972 theo quy định của UN – ESCAP. Hiện nay thành viên chính thức của IPC gồm Bra-xin, Ấn Độ, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Sri Lanka và Việt Nam. Ngoài ra các thành viên không chính thức có tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và Papua New Guinea. Tổng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu của những nước này chiếm 95% tổng lượng sản xuất và xuất khẩu của thế giới.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25