ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Giai đoạn 2020-2030 chăn nuôi lợn sẽ duy trì quy mô khoảng 29 - 30 triệu con

25/ 12/ 2019

Chiều ngày 25/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040”.  

Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu, góp phần quan trọng duy trì vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Nhận định những cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới, với áp lực gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, nhất là quá trình hội nhập sâu rộng với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các đại biểu đồng tình cao với Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 nhằm bảo đảm việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, tạo lập môi trường bình đẳng, công bằng cho tổ chức cá nhân tham gia đầu tư các lĩnh vực của ngành về chăn nuôi; xây dựng định hướng lộ trình, giải pháp đồng bộ phù hợp để phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Góp ý Dự thảo chiến lược phát triển chăn nuôi, nhiều đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai trong quá trình thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn về tích tụ đất đai, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng quy mô trang trại chăn nuôi khép kín và an toàn. Bên cạnh đó có các chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến và liên kết các doanh nghiệp chăn nuôi trong chuỗi giá trị.

Thực hiện Dự thảo phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 sẽ có 13 nhóm giải pháp cần tập trung và triển khai đồng bộ, trong đó Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo đó, định hướng phát triển các đối tượng vật nuôi trong giai đoạn 2020-2030 về chăn nuôi lợn sẽ duy trì quy mô khoảng 29 triệu đến 30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400 triệu đến 450 triệu con; chăn nuôi trâu bò ổn định từ 2,4 triệu đến 2,6 triệu con; chăn nuôi dê cừu ổn định từ 4 triệu đến 4,5 triệu con… tầm nhìn đến 2040 phấn đấu ngành chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại được công nghiệp ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, quy mô ngành chăn nuôi còn nhỏ lẻ, triển khai Luật Chăn nuôi cũng như Chiến lược chăn nuôi giai đoạn mới phải có bước đi từng giai đoạn, tuy nhiên, có những vướng mắc phải quyết liệt trong tháo gỡ để đảm bảo cơ cấu và tổng sản lượng thực phẩm phù hợp với từng năm và từng giai đoạn.

“Chúng ta phải xã hội hóa, năm 2019 riêng lĩnh vực nông nghiệp đã có 17 dự án đầu tư của doanh nghiệp với tổng giá trị 20 nghìn tỉ. Doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định sức cạn tranh của ngành hàng cho nên tới đây chúng ta cần có thêm những chính sách bổ sung như: trong luật đất đai phải có đất cho chăn nuôi vì quy mô chăn nuôi trang trại hiện nay rất lớn vì vậy cần cụ thể hơn với ngành chăn nuôi, thậm chí phải phù hợp với từng vùng miền như: đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, dự thảo chiến lược đề ra 4 Đề án liên quan đến các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện thời gian tới gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực kiểm soát soát dịch bệnh và xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi thú y./.