Chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh... là những giải pháp để nông sản Việt vươn ra thế giới.
Câu chuyện đưa nông sản ra thế giới
Ngày 26/5, trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, đã diễn ra Hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu với chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều ưu đãi cho sản xuất, cho xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp gần như chưa khai thác hiệu quả. Các hiểu biết về nhu cầu tiêu dùng xanh, về các điều kiện, các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước, với các thị trường lớn, đối với các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững… cũng rất giới hạn.
Tại hội nghị, các diễn giả, chuyên gia, cũng như các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, những giải pháp để giúp cho doanh nghiệp kịp thời có những hiểu biết về yêu cầu của thị trường, xu hướng tiêu dùng, xu hướng sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững để các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu khác có thể tham khảo và có những giải pháp phù hợp, đưa nông sản, hàng hóa ra thị trường thế giới.
Chia sẻ về câu chuyện thành công trong việc xuất khẩu nông sản ra thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group cho biết, từng bị nhiều đối tác “chê” dừa Việt Nam không ngọt khi chào hàng tại Mỹ năm 2017, trong khi trái dừa tươi Bến Tre rất ngọt và thanh.
"Chất lượng này hoàn toàn có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường quốc tế", ông Tùng nói và cho biết thêm, việc chào hàng bằng những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không giúp phát triển thị trường cũng như thương hiệu cho sản phẩm Việt, trái ngược hoàn toàn với cách làm của một số quốc gia.
Ông Tùng dẫn chứng, để xây dựng thương hiệu cho trái táo, cherry, Chính phủ, Bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân như New Zealand đã cùng bắt tay làm. "Họ chọn những trái ngon nhất, thượng hạng nhất dành cho xuất khẩu, loại 2 mới dành cho tiêu thụ trong nước và dưới nữa mới dành cho chế biến. Chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu mạnh thì chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi, căn bản nhất', ông Tùng nói và cho biết thêm, đã đưa thương hiệu dừa Bến Tre, Việt Nam lần đầu vào thị trường Mỹ năm 2017, chia thị phần với dừa Thái Lan với mỗi tháng xuất khoảng 40 container dừa tươi Bến Tre sang Mỹ, và thị phần dừa Thái và Việt Nam đã tương đương tại Mỹ.
Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group cũng chia sẻ nhiều câu chuyện về những kết quả trong hành trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt như xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng (năm 2018); xuất khẩu thành công lô hàng trái xoài cát núm đầu tiên của Vĩnh Long sang Mỹ với giá mua cao cho bà con nông dân cao hơn giá thị trường (năm 2019); xuất khẩu 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi sang thị trường Đức và 3 tấn thanh long bằng đường hàng không sang thị trường Hà Lan vào năm 2020...
Theo ông Tùng, một trong những giá trị cốt lõi để doanh nghiệp thành công là chất lượng, thương hiệu. Để chinh phục thị trường quốc tế thì vùng nguyên liệu phải đủ lớn, hàng phải đặc trưng với hàng cùng chủng loại trên thế giới và phù hợp với nước nhập khẩu, đối tượng nhập khẩu.
Đặc biệt, cùng với việc xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bám sát cùng bà con nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong suốt quá trình từ chọn giống, canh tác đến thu hoạch, đảm bảo chất lượng và sản lượng đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như xu hướng nông nghiệp xanh - bền vững trong thời gian tới.
Đồng thời, tái đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng sản phẩm được duy trì tốt nhất cho tới tay người tiêu dùng như: các trạm sơ chế, nhà máy đóng gói và xử lý trái cây, các kho mát - lạnh - IQF đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống xe lạnh vận chuyển xuyên suốt hành trình.
Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh là xu thế tất yếu
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp, với yêu cầu của các tổ chức quốc tế hiện nay thì sản phẩm nông sản không những phải đảm bảo về mặt chất lượng, tiêu chuẩn mà còn phải đảm bảo một số những chứng nhận xanh. Ví dụ như chứng nhận về tỷ lệ lao động, chứng nhận về giới, chứng nhận yêu cầu về phát thải khí nhà kính… Đây là những yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp Việt hướng tới thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Cũng theo TS Hạnh, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.
Giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn là các doanh nghiệp cần dẫn dắt bà con nông dân, tổ hợp tác cùng sử dụng công nghệ trong sản xuất, cũng như định hướng cho bà con nông dân tham gia chuỗi nông nghiệp tuần hoàn từ vùng nguyên liệu, sau thu hoạch, sơ chế đóng gói, vận chuyển, qua đó giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị nông sản.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, cơ chế chính sách về nông nghiệp tuần hoàn chưa có Nghị định, Thông tư cụ thể. Tuy nhiên, vừa qua có Quyết định 678 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Song, chính sách ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trước đây có Nghị định 210, Nghị định 57 và đến tháng 7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Nghị định 57 (sửa đổi), trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số chỉ số quan trọng như chỉ số ưu tiên quy hoạch vùng nguyên liệu, bắt buộc 50% lao động tại chỗ để ổn định lao động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có các tiêu chí về giới, về lực lượng lao động, chỉ số phát thải các bon...
"Đây là những tiêu chí bắt buộc để doanh nghiệp Việt tiếp cận dần với tiêu chí quốc tế hiện nay với các sản phẩm xuất khẩu", TS Hạnh nói.
Nói về nông nghiệp tuần hoàn, trước đây hầu như tập trung nâng cao sản lượng, nhưng hiện nay đòi hỏi áp dụng công nghệ như công nghệ vi sinh để tái sử dụng lại các phần phát thải, phụ phẩm. Ví dụ như lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản hiện nay hầu như không vứt đi thứ gì, cái gì cũng có người thu mua ngay để sản xuất, nâng cao giá trị.
Tuy nhiên, tất cả các khâu phải đảm bảo các chứng nhận canh tác sản xuất, chứng nhận nhà máy chế biến... Đây là các rào cản với doanh nghiệp hiện nay.
Theo TS Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Việt Nam nằm trong top 20 nước xuất khẩu lớn trên thế giới, trên nền tảng kinh doanh không biên giới (chợ online - PV), Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về mặt giao thương, xuất khẩu.
TS Tước cho rằng, nền kinh tế mới nằm ở online, vì vậy, thực hiện kinh tế số giúp cho việc kinh doanh trực tuyến đạt hiệu quả. "Tới đây, AMCHAM sẽ cùng ngành Công thương đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, “cầm tay chỉ việc” doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế, để có thể kinh doanh xuyên biên giới", TS Tước thông tin
Họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV)2024/11/26
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam PSAV2024/11/22
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01