ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Dự án về xơ mướp đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần 9

29/ 10/ 2023

Đem lại giá trị kinh tế mới cho phế phụ phẩm nông nghiệp như xơ mướp, dự án 'Kết nối con người với tự nhiên' đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh năm 2023.

Chiều 29/10, sau hai ngày thi gay cấn, ban giám khảo đã chọn ra những dự án giành giải Nhất, Nhì, Ba cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 (năm 2023).

Tổng giá trị giải thưởng là 1.229.000.000 đồng, trong đó 436.000.000 đồng tiền mặt với 9 giải chính, 52 gói tư vấn hỗ trợ khác.

1 Giải Nhất thuộc về dự án "Kết nối con người với tự nhiên" (Đồng Tháp) của Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quân và Lê Na, với trị giá giải thưởng là 150 triệu đồng. Dự án này được ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện môi trường có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới cho những phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, cụ thể là nguyên vật liệu xơ mướp. Các sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3-4 sao.

Sản phẩm của dự án đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản. Ngoài ra, bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, các sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm... được làm từ xơ mướp đang xuất khẩu ổn định sang Nhật Bản và Hàn Quốc

Song song với việc phát triển sản phẩm thương mại thành công, dự án "Kết nối con người với tự nhiên" đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ từ kế hoạch liên kết xây dựng vùng trồng và bao tiêu thu mua nguyên liệu.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất, qua đó có thể giúp giải quyết việc làm cho nhiều bà con lao động tại địa phương. Đồng thời, tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi các sản phẩm thân thiện môi trường đang là một xu hướng", Đỗ Đăng Khoa, thành viên dự án "Kết nối con người với tự nhiên" chia sẻ.

2 Giải Nhì thuộc về dự án "Phát triển lạp xưởng cá lóc" (Đồng Tháp) của Dương Thị Hồng Chuyên và dự án "Sản xuất muối Tây Ninh kết hợp đặc sản vùng miền" (Tây Ninh) của Nguyễn Ngọc Sơn và Phạm Thái Hoàng. Trị giá mỗi giải là 80.000.000 đồng.

3 Giải Ba thuộc về dự án "Công ty CP Thực phẩm xanh Thành Đồng" (Đắk Lắk) của Hoàng Khắc Cưng, Trương Thị Thanh Hoa; Dự án " Sản xuất atiso bền vững" (Lâm Đồng) của Phạm Hữu Giàu; Dự án "K Products - Cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản (Bà Rịa-Vũng Tàu) của Mai Thị Thu Trang, Trần Bảo Khánh, Nguyễn Trung Hiếu. Mỗi giải trị giá 50.000.000 đồng.

3 Giải Khuyến khích gồm dự án "Bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nặm (Bắc Kạn) của Cà Thị Bảy; Dự án "Chế biến heo dẻo mác mật" (Lạng Sơn) của Lăng Thị Thơ; Dự án "Vicosap - Hành trình thay áo mới cho dừa sáp Trà Vinh" (Trà Vinh) của Lâm Ngọc Tú, Trần Duy Linh, Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Mỗi giải trị giá 30.000.000 đồng.

Ngoài ra còn có 9 Giải phụ gồm: gói Tư vấn hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam của Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu DIGISO; Phiếu mua Vật tư nông nghiệp; Giải hỗ trợ dự án đồng bào dân tộc của tập đoàn Nam Dương group; Giải thuởng Đổi mới sáng tạo; giải Nông nghiệp xanh, phát triển bên vững của Công ty Tư vấn toàn cầu; Giải thưởng của Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) cho dự án có sản phẩm bản địa thân thiện với môi trường; Giải hiệu ứng truyền thông; Tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; Giải thuởng tư vấn thực hành tiêu chuẩn.

Chia sẻ với niềm vui chiến thắng của các thí sinh trong buổi trao giải Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Ban giám khảo đánh giá, tất cả các dự án vào vòng chung kết đã là các dự án xuất sắc và có sự chuẩn bị khá kỹ, nghiêm túc dự án của mình.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, các dự án khởi nghiệp năm nay đã biết chú trọng những điều quan trọng trong mỗi dự án: khai thác tài nguyên bản địa; chú trọng nhân tố xanh; ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong sản phẩm; chú ý đến nhân tố thị trường.

"Hầu hết các bạn đều nhìn nhận được sự thay đổi đang diễn ra hiện nay, thấy được xu hướng thay đổi để tự mình thay đổi trong dự án của mình, phù hợp với lối sống thân thiện với thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, tiêu dùng hợp lý, không gây lãng phí… Đặc biệt, các bạn quan tâm đến yếu tố CON NGƯỜI (người tiêu dùng, nhân lực trong bộ máy). Trong số các bạn, không thiếu những dự án, sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới. Đó là các mặt tốt đáng biểu dương", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, các dự án năm nay vẫn còn những mặt yếu cần phải lưu ý. Đó là, phải củng cố năng lực quản lý tài chính; cần tìm hiểu sâu, có nhận thức đúng khái niệm về "xanh", "sinh thái", "ISI"... trước khi triển khai dự án; nhiều dự án thiếu tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, thế mạnh chính của mình.

“Chúng ta đang sống trong một thời đại VUCA (Volatility - biến động; Uncertainty - tình trạng không chắc chắn; Complexity - sự phức tạp; Ambiguity - sự mơ hồ). Do đó, cần phải cùng với nhau để thay đổi cách nhìn để ứng phó với VUCA cũ, chuyển sang VUCA mới tích cực hơn: tầm nhìn mới; thấu hiểu; làm sáng tỏ ra; nhạy bén. Từ đó, để có được VUCA tích cực trong mỗi người để thành công, làm giàu cho chính mình và cho đất nước", chuyên gia Phạm Chi Lan gợi mở