ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đối thoại cấp Bộ trưởng: Việt Nam đề ra 5 giải pháp thúc đẩy chuyển đổi

24/ 04/ 2023

Trong khuôn khổ phiên khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm, các Bộ trưởng, lãnh đạo quốc gia đã có nhiều chia sẻ để đảm bảo an ninh lương thực.

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng gồm 3 câu hỏi, do bà Dada Bacudo, đại diện Ban tổ chức đặt cho các trưởng ngành của các quốc gia dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững.

Câu hỏi đầu tiên: Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống LTTP của Liên hợp quốc năm 2021 đã khích lệ quá trình chuyển đổi tại các quốc gia như thế nào, trong đó những thành tố và biện pháp nào đã góp phần vào quá trình này?

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam cho biết, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong công tác giảm nghèo, chỉ số giảm nghèo ấn tượng đã được Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Việt Nam xác định nông nghiệp sẽ trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân dễ bị tổn thương trước các biến động của thế giới và gặp khó khăn trong tiếp cận xu thế thương mại thế giới.

Trong khi đó, ngành hàng lúa gạo với phương thức canh tác thâm dụng tài nguyên đánh đổi môi trường, đa dạng sinh học đang là một vấn đề lớn cần giải quyết, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng thế giới đang ngày càng khắt khe hơn.

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, đó là: Cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống LTTP thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ, kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững.

Việc chuyển đổi hệ thống LTTP đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Các yêu cầu chính là: Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm.

Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm;  Hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...;

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm; Thực hiện theo hướng lồng ghép các nguồn lực và thông qua các cơ chế, chính sách tạo động lực để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Theo đó, ngành nông nghiệp đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm:

Một là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Hai là, phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Ba là, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Bốn là, phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Năm là, thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực.

Với sự hỗ trợ của các Tổ chức Liên hợp quốc (FAO, UNDP, UNIDO…), các tổ chức quốc tế, cộng đồng nhà tài trợ, ngành nông nghiệp đang kiến nghị Thủ tướng thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo LTTP”; đang xây dựng “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp”; đang triển khai thực hiện “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ”; đang thí điểm tính toán dấu chân các bon cho chuỗi lúa gạo, cà phê, thanh long và tôm.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.

Ông Christian Hofer, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ chia sẻ, rằng quốc gia này luôn năng động trong quá trình chuyển đổi LTTP cũng như chủ động tổ chức các hội nghị liên quan đến vấn đề này cùng các bên tham gia của Mạng lưới một hành tinh. Ngoài ra, Thụy sĩ cũng đang song song chuẩn bị cho các đối thoại về hệ thống LTTP toàn cầu.

Bộ trưởng cho rằng những khóa đào tạo ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về LTTP yêu cầu đẩy nhanh ở cấp quốc gia, khu vực.

“Thông qua thảo luận đa bên liên quan, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, cũng như sự vào cuộc của chính phủ liên quan để đóng góp vào Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7/2023 tới”, ông Hofer cho biết.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ cho biết, các thành tố chính đóng góp vào quá trình chuyển đổi gồm tăng cường tỷ trọng dân cư được tiếp cận LTTP đảm bảo dinh dưỡng, giảm thất thoát thực phẩm; tăng tỷ trọng người dân tham gia vào sản xuất thực phẩm bền vững.

Thụy sĩ đã tổ chức nhiều hội thảo, để giúp người dân tiếp xúc được với các chính sách mới nhất về LTTP. Sắp tới, một Hội đồng đánh giá cấp quốc gia sẽ được thành lập để có đánh giá chung về vấn đề này.

Năm vừa qua, Thụy Sĩ đã xây dựng 1 báo cáo về định hướng phát triển nông nghiệp đến 2030, trong đó có dự báo ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, phát triển giá trị gia tăng, cải thiện khâu sản xuất thực phẩm.

Tại hội nghị thượng đỉnh về LTTP năm 2021 của LHQ, chúng ta đã nhận ra sự cần thiết của việc chuyển đổi hệ thống LTTP nhưng cần duy trì nguồn động lực phát triển, để có thể giúp từng quốc gia có lộ trình hành động cụ thể.

Ông Meles Mekonen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia thừa nhận, từ các kết quả chuyển đổi của năm 2021, quốc gia này xác định xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính và đã đạt được những thành công nhất định. Trong khi đó, những tiến bộ đạt được liên quan đến xóa đói giảm nghèo liên tục có xu hướng tăng.

Ethiopia đã ban hành chiến lược cấp quốc gia từ 2021, đồng thời xác định lộ trình chuyển đổi LTTP với 5 nguyên tắc chính, dựa trên khuyến nghị của LHQ. Trong đó, nhấn mạnh tới các giải pháp thuận thiên, dựa trên kiến thức bản địa của từng quốc gia.

Các phương pháp thực hiện đều dựa trên tham vấn các bên liên quan. Tất cả với mục đích biến các thông tin từ tham luận, các cuộc hội thảo thành hành động cụ thể.

Ethiopia xác định quá trình chuyển đổi của hệ thống LTTP là không thể chậm trễ. Thay vì chờ những giải pháp toàn diện, chúng ta cần những giải pháp cụ thể, có tác động lập tức. Tham gia chuyển đổi hệ thống LTTP là nhiệm vụ tối cao của Chính phủ Ethiopia và quá trình này được thiết kế bởi các bên liên quan.

Đại diện Ethiopia chia sẻ, 10 chương trình ưu tiên của đất nước này sẽ hỗ trợ cho việc đa dạng hóa những chương trình sản xuất gồm đa dạng nguồn thực phẩm, chứng nhận thực phẩm an toàn, hỗ trợ tài chính ...

Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng không một ngành hay một quốc gia nào có thể thực hiện được đầy đủ các mục tiêu đặt ra về chuyển đổi hệ thống LTTP nếu chỉ làm một mình, mà rất cần sự hợp tác của các đối tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các nước.

Câu hỏi thứ hai là: Hành động của các quốc gia trong việc xây dựng, phát triển Hệ thống LTTP bền vững?

Ông Ildephonse Musafiri, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Động Vật Rwanda chia sẻ, rằng quốc gia này đang xem xét các vấn để liên quan đến chuyển đổi hệ thống LTTP và đã xây dựng lộ trình, với nhiều biện pháp thúc đẩy nông nghiệp được đưa ra. Trong 5 năm tới, họ ưu tiên thực hiện các tuyên bố, kết quả đã thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ năm 2021.

Tuy nhiên, Rwanda đang gặp những thách thức chính trong chuyển đổi hệ thống LTTP toàn diện như cần sự vào cuộc của đa ngành. Cụ thể, nếu bảo vệ môi trường thì cần Bộ tài nguyên, còn phát triển dinh dưỡng thì cần Bộ Y tế. Ngoài ra, họ cũng đề cao vai trò của Bộ giáo dục trong nâng cao nhận thức của người dân.

Rwanda cho biết, đã tổ chức “Diễn đần tổ công tác nông nghiệp”, trong đó có sự tham gia của khối công tư, khối tư nhân và nông dân. Tại đây, ngành nông nghiệp đã nhận được phản hồi, thảo luận nhiều nội dung từ dịch vụ, môi trường để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngoài ra, quốc gia châu Phi cũng quan tâm đến giảm thiểu rủi ro. Trong đó, giảm thiểu rủi ro đối với ngành nông nghiệp trong đó có giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu là yếu tố không thể bỏ qua trong bất cứ chiến lược nào.

Với sự tham gia sâu rộng của Hội nông dân Châu Á cùng nhiều tổ chức khác tại hội nghị này, Rwanda tin rằng với quá trình chuyển đổi của mạng lưới toàn cầu sẽ đi vào thực chất.

Ông San Vanty, Thứ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia ca ngợi, Hội nghị toàn cầu tại Hà Nội được tổ chức rất kịp thời, nhất là khi chúng ta không thể lường trước được những gì đang xảy ra trong thế giới VUCA này.

Hội nghị với lời kêu gọi cùng nhau chuyển đổi, song theo ông Vanty, trước đó chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố ngoại cảnh như biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine... đều đang có tác động đến hệ thống LTTP trên thế giới.

Trong đó có các vấn đề liên quan chịu tác động chính là giao thông vận tải, năng lượng, chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào. Hiện các quốc gia chưa thật quan tâm đến khâu phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là vấn đề giống, ngoài ra ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm đến các chính sách liên quan tới số hóa.

Hiện nay, Liên hợp quốc có nhiều chính sách tập trung đến các vấn đề con người. Thực phẩm giờ không chỉ cần dinh dưỡng, mà còn cần phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể như thực phẩm giúp khỏe đẹp, nhằm hướng tới nhu cầu của phái đẹp.

Ông Vanty cũng cho rằng thách thức trong chuyển đổi hệ thống LTTP không chỉ nằm ở giải pháp mà còn là thay đổi tư duy, nhận thức của bộ phận người dân, nhất là những công dân tương lai.

Câu hỏi thứ ba: Những khó khăn, thách thức và các giải pháp đề xuất khi chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững?

Ông Samuel Kawale, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malawi chia sẻ, rằng nước này đã tổ chức 16 hội thảo khác nhau về phát triển nông nghiệp. Qua đó, họ nhận thấy nhu cầu của người dân cũng như các tổ chức hiện khá khác nhau. Trong khi đó, hình thái tiêu dùng hiện nay của người dân được đánh giá là không bền vững, thiếu lành mạnh; sự suy thoái môi trường nghiêm trọng ở cấp quốc gia.

Thông qua những hội thảo, quốc gia này cũng có thể cùng nhìn lại để bàn ra các giải pháp xây dựng hệ thống LTTP một cách phù hợp hơn với Malawi. Trong đó, cố gắng phát triển dịch vụ khuyến công, và khuyến công.

Ở mỗi không gian, cần một mô hình khác nhau để tối ưu hóa hiệu quả. Ví dự ở mô hình trang trại, cần giải pháp cụ thể riêng. Đồng thời, xác định cấu trúc thị trường, để nâng năng suất, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

"Chúng ta không thể làm một mình", đó là lí do được đại diện Malawi nhằm nhấn mạnh vào việc cần tham gia vào nhiều diễn đàn quốc tế, để xem mình nên cải thiện ở khu vực nào, còn thiếu sót và có khả năng phát triển cao tại đâu.

Một lần nữa gửi lời cảm ơn Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2021, Malawi cam kết rà soát lại con đường mà Malawi hướng tới trong tương lai, những kinh nghiệm từ các quốc gia khác, từ đó chiêm nghiệm và đưa vào trong định hướng phát triển của đất nước.

Ông Saboto Caesar, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản , Chuyển đổi Nông thôn, Công nghiệp và Lao động St Vincent và the Grenadines nêu thực tế, đây là quốc gia với nhiều đảo. Do đó, họ rất quan tâm phát triển đến chế độ dinh dưỡng cho người dân và kỳ vọng hội nghị có thể đưa ra những giải pháp có thể đưa ngay vào thực tiễn và từ đó giúp người dân có một chế độ ăn lành mạnh hơn.

Đại diện quốc đảo này nhấn mạnh rằng, người dân luôn rất quan tâm đến cách một quốc gia thể hiện cam kết chính trị thông qua hỗ trợ hàng triệu người dân trong nước như nào. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách có hạn, họ khó có thể phân bổ đầy đủ, và cần có sự tính toán cho những mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài.

Khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện đặt mục tiêu là giảm nạn đói. Đó cũng là điều được St Vincent và the Grenadines nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nếu không có những nỗ lực để lôi kéo sự tham gia của thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của những người làm nông nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững, việc bảo đảm tương lai cho chính thế hệ này sẽ rất khó khăn.

St Vincent và the Grenadines nói riêng và vùng Caribe nói chung luôn tin rằng có nhiều khía cạnh có thể can thiệp. Vì thế, chính phủ cần có những cam kết, biện pháp đủ mạnh để kêu gọi, cũng như thiết lập sự tham gia của tất cả các bên.

Dù còn nhiều vấn đề, quốc đảo vùng Caribe tự tin có thể vượt qua được các vấn đề về biến đổi khí hậu, và cùng đoàn kết để thực hiện xây dựng và chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững. Sự vào cuộc của nhiều tổ chức, quốc gia như tại hội nghị này, chắc chắn sẽ giúp mang lại một tương lai tươi sáng