ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đẩy mạnh hợp tác công tư trong đảm bảo an ninh lương thực

26/ 06/ 2023

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết được những vấn đề đảm bảo an ninh lương thực theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững

Xác lập vai trò của địa phương

Chia sẻ với PV báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề tọa đàm "Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay", PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, theo khái niệm của FAO cho thấy, vấn đề an ninh lương không chỉ đề cập đến vấn đề đủ ăn, cung cấp lương thực cho người dân như giai đoạn trước, mà hiện nay còn liên quan đến cả chất lượng về lương thực, thực phẩm, an toàn thực phẩm và an ninh dinh dưỡng.

"Chính phủ Việt Nam cũng đã nhìn nhận rõ vấn đề này và nhiều chính sách đã được ban hành để giải quyết được những vấn đề về an ninh lương thực", PGS.TS Đào Thế Anh cho hay.

Theo ông Đào Thế Anh, một trong những chính sách cụ thể nhất là để các địa phương có thể tham gia phối hợp vào vấn đề thúc đẩy an ninh lương thực quốc gia, cũng như an ninh lương thực của từng địa phương thể hiện trong Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, minh bạch, có trách nhiệm bền vững đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối tháng 3/2023.

Trong kế hoạch hành động này, cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế. Ngoài ra, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ và các bộ ngành khác liên quan đến chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với nhau.

Thông qua kế hoạch hành động này để kêu gọi sự hợp tác công tư giữa Nhà nước và các địa phương với khu vực tư nhân, trong đó có các hợp tác xã sản xuất, các doanh nghiệp để có những hành động cụ thể, để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.

Kế hoạch hành động này cũng để để kêu gọi đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Bởi hiện nay, ngành nông nghiệp cũng như vấn đề an ninh lương thực đang đối mặt với rất nhiều thách thức như là biến đổi khí hậu, vấn đề thị trường, dịch bệnh mới nổi, một loạt các vấn đề khác về suy thoái các nguồn lực tự nhiên đối với sản xuất lúa.

"Trong khi đó, vốn đầu tư cho nông nghiệp ở cấp Trung ương vẫn hạn chế so với nhu cầu. Đối với cấp địa phương, bà con nông dân tiếp cận tín dụng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Khó khăn về mặt tài chính là một yếu tố rất quan trọng, trong khi nhu cầu đầu tư về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trong giai đoạn tới ngày càng tăng. Vì thế, hợp tác với các tổ chức nước ngoài, các nhà tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của quốc tế cũng là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long", Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định.

Theo ông Đào Thế Anh, mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về Chuyển đổi hệ thống thực phẩm tại Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030 nhằm chuyển đổi hệ thống thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững dựa trên lợi thế của địa phương; bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của mọi người dân; phòng, chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.

Cụ thể đến năm 2030, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm bình quân 1,0 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ gia đình mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức độ nặng và trung bình dưới 5%; Duy trì kim ngạch xuất khẩu lương thực trên 30 tỷ USD/năm; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%. Tỷ lệ gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 3%; Tỷ lệ thừa cân béo phì dưới 10% ở trẻ em dưới 5 tuổi; dưới 19% đối với trẻ em 5 - 18 tuổi; dưới 20% đối với người lớn từ 19 - 64 tuổi; Số ca ngộ độc cấp tính là 5 người/100.000 dân.

Ông Đào Thế Anh cho biết, quan điểm thúc đẩy an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững của Việt Nam được thể hiện qua việc thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) vì nông nghiệp bền vững thông qua cách tiếp cận chuyển đổi hệ thống lương thực; Đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng thông qua thúc đẩy Thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học; NAP cho sức khỏe của đất; hệ thống nông nghiệp - thực phẩm gắn với du lịch và tiêu chuẩn; Thúc đẩy các thực hành nông nghiệp sinh thái nông nghiệp/dựa vào thiên nhiên/tái tạo; Thúc đẩy năng lượng sinh khối bền vững, nông nghiệp tuần hoàn, tái chế phụ phẩm nông nghiệp; Thúc đẩy CSA; giải pháp khử cacbon và giảm phát thải khí nhà kính; ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp; Thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và liên minh toàn cầu về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để chia sẻ kinh nghiệm từ Việt Nam.

Thay đổi trước xu thế sản lượng lúa gạo đang giảm dần

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong nhiều thập kỷ qua, lúa gạo là cây trồng đóng vai trò chiến lược trong an ninh lương thực của Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực trong hàng thập kỷ để tăng sản lượng lúa gạo cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, không những góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà hàng năm còn tham gia xuất khẩu với kim ngạch đáng kể và đóng góp không nhỏ cho ngân sách quốc gia.

Trong 10 năm qua, sản lượng bình quân lúa gạo hàng năm đạt từ gần 43 - 45 triệu tấn lúa, khoảng 27 - 28 triệu tấn thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo.

Sản lượng lúa gạo có xu thế giảm dần trong những năm gần đây do các yếu tố như chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giảm diện tích trồng lúa; tăng giống lúa chất lượng cao; quy mô sản xuất lúa vẫn theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún và ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lụt và sâu bệnh hại, dịch bệnh Covid 19...

Theo ông Nam, để đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc quốc gia, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện mua lúa, gạo thông qua hợp đồng ký với người sản xuất theo chính sách hiện hành của Nhà nước nhằm thu mua lúa cho người nông dân và đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia.

Đồng thời, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng tham gia kiến nghị, đề xuất các chính sách xuất khẩu gạo phù hợp với từng thời điểm, bối cảnh nền sản xuất (như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khó lường gây ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất,...) nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

"Sự chuyển đổi cơ cấu chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu trong thời gian qua xuất phát từ nhu cầu thị trường, và các chính sách, cơ chế khuyến khích của Chính phủ, đã dẫn dắt phát triển sản xuất gạo chất lượng cao hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam", ông Nam nói.

Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả và xuất khẩu gạo bền vững. Theo đó, khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 giảm xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022 - 2025 giảm nhịp tăng trưởng khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%.

Trong đó, cơ cấu tỷ trọng thị trường cũng điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu và xu thế mới của thế giới. Cụ thể: đến năm 2025, xuất khẩu thị trường châu Á chiếm khoảng 60%, châu Phi khoảng 22%, Trung Đông khoảng 4%, châu Âu khoảng 3%, châu Mỹ khoảng 7%, châu Đại Dương khoảng 4%. Đến năm 2030, xuất khẩu thị trường châu Á chiếm khoảng 55%, châu Phi khoảng 23%, Trung Đông khoảng 5%, châu Âu khoảng 5%, châu Mỹ khoảng 8%, châu Đại Dương khoảng 4%.