ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đan Mạch giúp phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững

17/ 08/ 2022

Việt Nam có thể học tập, áp dụng các kinh nghiệm từ đối tác Đan Mạch để phát triển chuỗi giá trị, phát triển bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh

Dư địa hợp tác còn lớn

Sáng 17/8, Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững” được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện do Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ NNN-PTNT, Cục Thú Y và Thực phẩm Đan Mạch và Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn kết nối và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và công nghệ giữa các nhà hoạch định chính sách và quản lý ngành cũng như các doanh nhân Đan Mạch và Việt Nam

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm giữa Việt Nam và Đan Mạch là rất lớn

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác mà Đan Mạch thiết lập hợp tác chiến lược trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Năm 2018, Bộ NN-PTNT và Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch đã ký kết Bản ghi nhớ về thiết lập đối tác chiến lược trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp bền vững. Thông qua bản ghi nhớ này hai bên đã xây dựng nhiều chương trình, dự án hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó nổi bật là chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn giữa Việt Nam và Đan Mạch (Dự án SSC) do Đan Mạch tài trợ.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, quan hệ kinh tế thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đến nay, đã có 135 công ty Đan Mạch thành lập văn phòng chính thức tại Việt Nam. Với năng lực vượt trội, nhiều công ty Đan Mạch có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nước, năng lượng sạch, quản lý chất thải…

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch. Theo đó, hai bên có thể tiếp tục khai thác những tiềm năng và thế mạnh đang còn bỏ ngỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

Thứ trưởng NN-PTNT đánh giá hội thảo là một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với ngành NN-PTNT. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập, áp dụng các kinh nghiệm được chia sẻ từ đối tác Đan Mạch để phát triển chuỗi giá trị, phát triển bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Carsteb Baltzer Rode, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tại Đông Nam Á mà Đan Mạch quan tâm phát triển hợp tác. Trong suốt 25 năm qua, Đan Mạch đã có nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho một số ngành tại Việt Nam như nông nghiệp, môi trường, thủy lợi, năng lượng…

“Với sự tham dự của 13 doanh nghiệp Đan Mạch tại hội thảo, chúng tôi kỳ vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với phía Việt Nam để xây dựng nhiều dự án nông nghiệp cũng như đưa ra các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích chung của hai bên”, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch cho biết.

Tăng giá trị, giảm đầu vào

Tại hội thảo, các đại diện phía Đan Mạch và Việt Nam cũng đã trình bày các bài tham luận về một số nội dung như: Hợp tác Lĩnh vực Chiến lược (SSC) về an toàn Thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt heo, đối tác phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch để xuất khẩu nhóm thực phẩm xanh và bền vững, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm tại Đan Mạch - sản xuất nhiều hơn với việc sử dụng tài nguyên ít hơn.

Bên cạnh đó, đoàn doanh nghiệp Đan Mạch cũng có cơ hội giới thiệu về công ty của mình tới phía Việt Nam cũng như lĩnh vực, nguyện vọng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Trong nhiều năm qua, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.

Ông Jeppe Sondergaard Pedersen, Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch khuyến nghị, để nền nông nghiệp sản xuất nhiều hơn với đầu vào ít hơn, cần đầu tư phát triển chuỗi giá trị tổng thể trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới tăng dần sản lượng hàng hóa nông sản hữu cơ để thu về giá trị cao, cùng đó quá trình sản xuất đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu và môi trường xung quanh.

Ông Pedersen cho biết dù là quốc gia nhỏ tại EU, nhưng sản phẩm nông nghiệp của Đan Mạch lại được xuất khẩu rộng rãi tới nhiều thị trường lớn với các mô hình sản xuất xanh được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại châu Âu học tập. Từ kinh nghiệm của Đan Mạch, phát triển nông nghiệp với nền móng từ chuyển đổi xanh là chìa khóa để sản xuất, xuất khẩu bền vững. Ông Sondergaard Pedersen cho rằng doanh nghiệp Việt có thể thông qua hoạt động đầu tư công nghệ, minh bạch rõ ràng, cập nhật kiến thức để đạt tới sản xuất nhiều hơn, phát thải ít hơn như các mô hình Đan Mạch đang thực hiện.