ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Cùng tư duy và hành động để thay đổi hệ thống canh tác

05/ 12/ 2023

Sản xuất tuần hoàn theo chu trình khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, theo Thứ trưởng Hoàng Trung.

Để Tây Bắc cất cánh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, những năm gần đây, hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm toàn cầu chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Khi nhu cầu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ngày càng cấp bách, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp và theo hướng tuần hoàn là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn.

"Trong lĩnh vực nông nghiệp, quá trình sản xuất tuần hoàn theo hệ chu trình sản xuất khép kín từ trồng trọt đến chăn nuôi giúp khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng và đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người", Thứ trưởng nói.

Ở bình diện quốc gia, Việt Nam đã đưa nội dung "Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất" vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Trong đó, xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng trường; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với biến đổi khí hậu từng vùng, miền.

Tháng 1/2022, Chính phủ cụ thể hóa quyết tâm này bằng việc ban hành Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu nhằm xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; minh bạch, có trách nhiệm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt và đảm bảo được sự phát triển bền vững.

Hội thảo quốc tế "Thay đổi các hệ thống canh tác trồng trọt - chăn nuôi quy mô nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu, theo định hướng thị trường và bền vững phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và mục tiêu phát thải ròng bằng 0" sáng 5/12, là một bước đi nữa để các bên liên quan cùng “Tư duy đổi mới” và “Cùng hành động”, theo Thứ trưởng Hoàng Trung.

Một trong những nội dung chính của hội thảo, đó là chia sẻ, thảo luận về các bài học kinh nghiệm trong  nghiên cứu và phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc. Đây là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với tính đa dạng sinh học cao, quỹ đất lớn và có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, do những rào cản về cơ sở hạ tầng, giao thông... nông nghiệp nơi đây chưa thể "cất cánh".

Dù có nhiều tiềm năng, sự phát triển của Tây Bắc hiện nay chưa đồng đều. Bên cạnh một số tỉnh tạo được nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp (như Sơn La, Lào Cai), thì vẫn còn nhiều tỉnh Tây Bắc chưa phát huy hiệu quả được các tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, các mô hình được triển khai chủ yếu trên phạm vi hẹp nên hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao. Nhiều khu vực tại Tây Bắc đất canh tác đang bị xói mòn nghiêm trọng, diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp tương đối ít và manh mún, chủ yếu canh tác trên đất dốc, phương pháp canh tác thiếu bền vững nên hiệu quả sản xuất không cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương chưa kết nối được với thị trường.

"Qua hội thảo, Bộ NN-PTNT mong muốn các nhà nghiên cứu, chuyên gia chính sách, nhà quản lý trong nước và quốc tế đề xuất các sáng kiến nghiên cứu cho hệ thống canh tác trồng trọt - chăn nuôi quy mô nhỏ tại vùng Tây Bắc, phù hợp với các chiến lược của Chính phủ và ngành nông nghiệp", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ Australia

Tại hội thảo, GS Michael Bell, Đại học Queensland (đơn vị phối hợp tổ chức) nêu một số kinh nghiệm của Australia trong việc tăng tính bền vững cho các hệ thống canh tác. Theo đó, phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp hiệm chiếm khoảng 14% tổng lượng phát thải của Australia. Tỷ lệ này được giữ ổn định suốt 20 năm qua.

Để có thành quả này, nền nông nghiệp Australia xác định rõ, phát thải từ sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ phát thải khí metan trong hoạt động chăn nuôi (khoảng 77%). Một nguồn nữa là oxit nitơ phát thải từ phân bón, tàn dư thực vật phân hủy (khoảng 19%).

Giải pháp của Australia, đó là quản lý chặt chẽ sức khỏe, khả năng sinh sản của vật nuôi, đồng thời cho gia súc nhiều thức ăn từ cây họ đậu (cây keo dậu, cỏ linh lăng, cây đậu tằm, cây điền keo), đồng thời sử dụng thực phẩm bổ sung.

Australia cũng từng gặp vấn đề như Việt Nam khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn. Điều này cản trở cơ hội bổ sung vào chế độ ăn của vật nuôi. Do đó, ngành nông nghiệp quốc gia này tập trung cải thiện chất lượng thức ăn thô xanh, như sử dụng nhiều cây họ đầu, hay thêm thức ăn ủ chua vào những vùng có sản lượng cao.

Về phát thải trong trồng trọt, ông Bell chỉ ra rằng, thói quen bón dư thừa đạm khiến nitơ dư thừa trong đất. Ngoài ra, cần có sự phân loại phát thải oxit nitơ theo nhóm ngành, như: sữa, bông và mía đường; cây hằng năm; cây lấy hạt; cây lâu năm...

Đề xuất vào việc phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải trong tương lai, GS Michael Bell cho rằng nên tái cơ cấu cả hệ thống cây trồng lẫn chăn nuôi, theo hướng tăng cường trồng cây họ đầu trong canh tác luân canh, giảm thiểu việc làm đất để làm chậm quá trình mất carbon, trồng xen các loài cây lâu năm.

Tập trung giải pháp cây họ đậu

Chung quan điểm với GS Michael Bell, PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa coi cây họ đậu là một giải pháp bền vững cho Tây Bắc. Điều này thể hiện rõ qua Dự án ACIAR (SMCN/2014/049) về cải thiện các hệ thống canh tác có ngô trên đất dốc tại Tây Bắc đã được triển khai từ năm 2018-2021.

Dự án được thực hiện tại 4 địa điểm thuộc tỉnh Sơn La và 2 điểm thuộc tỉnh Houaphan (Lào). Nội dung chính, là xen canh, gối vụ các cây họ đậu trong hệ thống canh tác ngô, xen canh cây thức ăn gia súc, cây ăn quả trong hệ thống thống canh tác ngô, đồng thời chuyển đổi dần ngô sang hệ thống canh tác tổng hợp có cây ăn quả và cây làm thức ăn gia súc.

Mô hình canh tác ngô bền vững gắn với chăn nuôi của dự án đạt năng suất tăng đều qua từng năm. Tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, năng suất cỏ Ghine tăng từ 10,1 tấn/ha/năm (2019) lên 14,1 tấn (năm 2021). Hoặc tại Yên Châu, tăng từ 12,6 lên 13,1 tấn/ha/năm.

Qua nghiên cứu trên cả quy mô nông hộ lẫn một số vùng canh tác lớn, PGS.TS Trần Minh Tiến đánh giá, chuyển đổi cây trồng trong hệ thống canh tác có ngô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bảo tồn đem lại nhiều lợi ích. Do đó, cơ quan nghiên cứu đề xuất một số phương án.

Cụ thể, người dân có thể áp dụng các biện pháp canh tác bảo tồn như canh tác theo băng (đường đồng mức), làm đất tối thiểu, che phủ (cây sống, tàn dư thực vật…); Lựa chọn cây che phủ ngăn ngày đa dụng (ưu tiên cây họ đậu, cây bản địa) và cây thức ăn chăn nuôi phù hợp để trồng xen/gối vụ; Lựa chọn cây dài ngày (cây ăn quả, cây công nghiệp) phù hợp và trồng với mật độ hợp lý.

Ngoài ra, địa phương nên duy trì cây ngô trong ít nhất 3 năm đầu sau khi tiến hành chuyển đổi (nhưng giảm dần mật độ theo từng năm phụ thuộc vào mức độ khép tán của cây lâu năm); Đồng thời, duy trì cây che phủ trong suốt thời gian chuyển đổi.

"Để tận dụng và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc, nhiệm vụ cấp thiết là phải bảo vệ và cải tạo đất, cũng như đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất cũ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo", ông Tiến nhấn mạnh.