ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Công bố thêm 1 loại vacxin dịch tả lợn châu Phi trong tháng 2

06/ 02/ 2023

Sau khi tiêm hơn 600.000 liều trên cả nước, vacxin AVAC ASF LIVE giúp vật nuôi tại hầu hết các trang trại đáp ứng miễn dịch tốt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Khảo nghiệm hiệu quả trên diện hẹp

Ngày 31/1, tại buổi làm việc với Cục Thú y và các công ty AVAC Việt Nam và C.P Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối để công bố thêm 1 loại vacxin Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), do Công ty TNHH AVAC Việt Nam sản xuất, trong tháng 2/2023.

Theo Thứ trưởng, sau gần 4 tháng lợn được tiêm vacxin khảo nghiệm trên diện hẹp vẫn đáp ứng miễn dịch và chưa xảy ra sự cố nào. Đây là cơ sở để công bố vacxin, đồng thời hướng đến việc tiêm phòng trên diện rộng cho đàn vật nuôi trong thời gian tới.

"Vacxin giống như một lá chắn cho vật nuôi và rất cần thiết cho người dân. Bên cạnh những kết quả đã có, chúng ta cần soạn thêm hướng dẫn chi tiết cho nhóm đối tượng nông hộ và lên sẵn nhiều kịch bản ứng phó cho các tình huống có thể xảy ra khi sử dụng vacxin ngoài thực tế", ông Tiến nói.

Để chuẩn bị, Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y phối hợp đơn vị sản xuất giám sát chặt chẽ 4 nhóm vấn đề: Các biến chủng của virus DTLCP; nguồn giống sản xuất vacxin; môi trường nuôi virus vacxin trên tế bào DMAC do AVAC phát triển; quy trình, dây chuyền, thiết bị sản xuất vacxin. Đây là cơ sở để tạo ra loại vacxin ổn định, đáp ứng miễn dịch và vô trùng

Trước đó, AVAC đã triển khai sản xuất 10 lô vacxin và có 4 lô đã đạt kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc Thú y Trung ương 1. Được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, AVAC phối hợp tiêm từ số thuốc này theo hai diện: 1.819 liều cho cho 13 trang trại chăn nuôi nông hộ ở Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Đồng Tháp, An Giang và 600.544 liều cho 545 trang trại nội bộ của Công ty C.P.

Ở cả hai diện, khoảng 94% số lợn được lấy mẫu máu sau 28 ngày được tiêm vacxin xuất hiện kháng thể.

Ông Đoàn Anh Tuấn, Trung tâm Chẩn đoán kiểm nghiệm, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam - đơn vị sử dụng vacxin DTLCP của AVAC khảo nghiệm trên diện hẹp cho biết, trước khi áp dụng tiêm phòng ở quy mô lớn, công ty đã đánh giá hiệu lực của vacxin trên quy mô nhỏ (khoảng hơn 600 con), ở một số cơ sở chăn nuôi gia công.

Kết quả, không phát hiện virus vacxin trong mẫu phân và nước bọt của lợn sau tiêm vacxin 14 ngày. Khả năng lợn đáp ứng miễn dịch cho tới lúc xuất bán (khoảng hơn 3 tháng sau tiêm) vẫn đạt mức an toàn.

Từ đó, ông Tuấn nhận xét, vacxin AVAC ASF LIVE do Công ty AVAC sản xuất có hiệu quả cao cho những trại lợn thịt có sức khỏe tốt.

Phục vụ tối đa lợi ích của người chăn nuôi

Nhờ sản xuất trên công nghệ tế bào dòng DMAC do Công ty AVAC tự phát triển, chi phí sản xuất vacxin AVAC ASF LIVE được dự báo có thể rẻ hơn và sản lên trên quy mô lớn (khoảng vài triệu liều mỗi tháng).

Những điểm này được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt quan tâm bởi tại Việt Nam, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Nếu giá thành vacxin không phù hợp, hoặc không thuận tiện sử dụng, người dân sẽ khó tiếp cận.

Ngoài việc đưa vacxin vào tiêm cho những hệ thống chăn nuôi lớn như C.P, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị AVAC cần có chính sách tăng cường khảo nghiệm tại những trang trại gia công, nhỏ lẻ trên cả nước.

"Ý thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học đã được nâng lên một bước. Cái chúng ta cần là toàn bộ lợn được tiêm vacxin phải đáp ứng miễn dịch đến lúc mổ. Do đó, không thể quên đối tượng này khi triển khai tiêm trên diện rộng", Thứ trưởng bày tỏ.

Đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp giữa AVAC và C.P, Thứ trưởng lưu ý thêm rằng mô hình chăn nuôi của C.P khó đạt được trong thực tế nông hộ. Vì vậy, cần có thêm kết quả phân tích về yếu tố dịch tễ của từng trại. Ông cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị báo cáo kỹ thuật sau buổi họp hôm 31/1 để rút kinh nghiệm, trước khi công bố vacxin.

Chúc mừng thành công bước đầu của AVAC, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nói: “Trong điều kiện lý tưởng, vacxin đạt hiệu quả tốt”. Ông cam kết phối hợp với công ty và các đơn vị liên quan để quy trình khảo nghiệm sát thực tế nhất.

Ông Long cho rằng, hiện sản phẩm của AVAC còn nguy cơ rủi ro do mới kiểm nghiệm được 4/10 lô vacxin sản xuất từ tháng 6 - 11/2022. Cục Thú y sẽ tiếp tục kiểm nghiệm, giám sát chất lượng và sử dụng vacxin AVAC ASF LIVE.

Trong thời gian chờ, dự kiến đến tháng 3/2023, Cục Thú y đề nghị AVAC có thêm báo cáo về độ ổn định của sản phẩm. Đồng thời, công ty có thể sử dụng mẫu gộp khi sử dụng kit test, để giảm chi phí xét nghiệm và tăng tần suất lấy mẫu