Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu (XK) tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam cần hình thành các chuỗi từ nuôi trồng, chế biến, XK và chuẩn hóa các chuỗi cung ứng này đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng 1/2019, Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry đã có chuyến làm việc tại Việt Nam. Trong buổi làm việc này, Seafood Watch (SW) – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đánh giá chất lượng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã chọn Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) làm đối tác phía Việt Nam để tư vấn cho Chính phủ về tiêu chuẩn tôm thương phẩm nếu muốn vào thị trường Mỹ.
Để tìm hướng phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam, SW và Ban IV đã đưa ra giải pháp tại chuỗi hội thảo “Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” trong tháng 2/2019 tại Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau.
Kết quả của các hội thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên hiến kế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên Toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới đây tại Hà Nội.
Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW), Mỹ thông tin: Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn, trong các thị trường xuất khẩu vào thị trường Mỹ có Việt Nam và phía Việt Nam cũng mong muốn được mở rộng sản phẩm tôm tại thị trường Mỹ. “Quan điểm giờ đây không phải mở rộng diện tích nuôi nữa mà là tăng hàm lượng chất lượng con tôm. Muốn XK tăng giá trị tại thị trường Mỹ cũng như các thị trường lớn khác cần hiểu rõ về tiêu chuẩn của các thị trường để có thể thành lập chuỗi sản xuất, tăng giá trị cho con tôm nuôi”, Ông Josh Madeira nhấn mạnh.
Hiện nay, các đối tác của SW đều cam kết tăng thu mua các sản phẩm bảo đảm bền vững của môi trường. Theo thống kê của SW, 90% các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ sẽ chỉ mua thủy hải sản từ các nhà cung cấp đảm bảo bền vững môi trường, ở châu Âu tỷ lệ này là 75%. Những nhà bán lẻ có lịch trình cụ thể, chuẩn bị từ 2-3 năm tới nhu cầu cho các sản phẩm mang tính bền vững rất cao và nhu cầu này tăng theo từng năm một.
SW cho biết, sau khi tiến hành khảo sát các đối tác, tại sao mua những sản phẩm bền vững với môi trường, đó là vì nhà tiêu dùng cuối cùng kỳ vọng, các nhà cung cấp phải bảo đảm các sản phẩm bảo vệ môi trường, bảo đảm được các tiêu chuẩn của môi trường. Từ đó, SW đưa ra các tiêu chí như về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm.
Tiêu chuẩn ASIC áp dụng tại trại nuôi của SW đang áp dụng tại Việt Nam bao gồm: Khả năng truy xuất nguồn gốc; Quản lý sức khỏe tôm; Nguồn lợi thủy sản/Giống; Nguồn thức ăn và quản lý thức ăn; Quản lý tác động về môi trường.
Hiện nay, Ban IV đang đề xuất mô hình từ các tiêu chuẩn của SW. Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau sẽ thí điểm lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng, ngân hàng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn. Bước đầu sẽ thực hiện thí điểm trên mô hình từ 10-50 ao nuôi tôm/địa phương để bảo đảm chất lượng tôm thương phẩm của Việt Nam có thể đạt được thẻ vàng, thẻ xanh vào thị trường Mỹ.
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25