Những cơ sở chế biến trong ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân
"Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, chỉ những mặt hàng thiết yếu mới được lưu thông và chúng ta nghĩ mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm, thuốc men… Thế nhưng lại quên đi mục tiêu kép, quên đi việc phát triển sản xuất. Theo đó việc lưu thông vật tư, phân bón, thuốc BVTV… bị lơ là", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lý giải tại sao lại xảy ra tình trạng ách tắc lưu thông vật tư nông nghiệp trong thời gian qua tại cuộc họp trực tuyến với 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản ngày 3/8.
Theo Bộ trưởng, thời điểm hiện nay, do diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch Covid-19, các địa phương đã bắt đầu chấp nhận hi sinh phát triển kinh tế trong ngắn hạn để có thể kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng phải nhìn nhận lại những cơ sở chế biến trong ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu, qua đó tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân.
"Nếu những cơ sở này phải đóng cửa sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí sẽ làm đứt gãy chu kì sản xuất. Chính vì thế các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vacxin cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Bộ trưởng phân tích: Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, hệ thống lưu thông sẽ do thị trường điều chỉnh. Nếu chúng ta bắt chỗ này sản xuất để cung ứng cho chỗ kia là phi thị trường. Chúng ta chỉ có thể làm nhiệm vụ kết nối, thông suốt.
"Cũng như vật tư nông nghiệp, giá cả là vấn đề của thị trường và chúng ta không thể can thiệp. Nhưng nếu có thể tạo sự thông thoáng, không để khan hiếm thì sẽ không bị đội giá lên cao. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo sự thông suốt thị trường đầu vào từ Bắc chí Nam", Tư lệnh ngành nông nghiệp chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu không có hệ thống những Hiệp hội ngành hàng thì ngành nông nghiệp sẽ không có chỗ dựa những lúc khó khăn như hiện nay. Qua đó Bộ trưởng đề xuất việc thành lập một Hiệp hội lúa gạo và Hiệp hội cây ăn quả khu vực ĐBSCL. Các cơ quan, đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng sẽ tham gia cùng các Hiệp hội ngành hàng tạo thành chuỗi hệ thống thông tin để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho người nông dân.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng sẽ có văn bản đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ điều kiện về kho bãi, có đủ tiềm lực trên thị trường để vào cuộc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề cao những kết quả mà hoạt động của Tổ công tác 970 đã đạt được: "Cho đến nay đã có gần 580 đơn vị doanh nghiệp phía Nam được kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 Bộ NN-PTNT vẫn đảm bảo không để những chuỗi giá trị bị đứt gãy. Sản xuất nông nghiệp phải được gắn liền với chuỗi giá trị".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng Tổ công tác 970 đã duy trì được nguồn cung ở 19 tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại TP. HCM. Thời gian tới nhu cầu sẽ tăng lên vì theo quy luật dịch bệnh sau khi chạm đỉnh sẽ đi xuống.
"Theo nghiên cứu và công bố của các tổ chức thế giới, virus SARS-CoV-2 không lây truyền qua phương tiện vận chuyển, không lây truyền qua vật tư hay lương thực thực phẩm. Chính vì thế các địa phương cần nắm chắc chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo điều kiện để lưu thông vận tải", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị
Nguồn: nongnghiep.vn
Hội thảo tham vấn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị gạo và cà phê2024/11/15
Nông nghiệp Việt Nam và Brazil cần tiếp tục đóng góp cho thế giới2024/11/18
Hợp tác công tư thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam2024/11/01
Cơ hội của người dân miền Bắc với mô hình canh tác khoai tây bền vững2024/10/25