ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phát triển sản xuất phải gắn với tổ chức tiêu thụ, phát triển thị trường

05/ 03/ 2019

Sáng ngày 5/3, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì diễn đàn quan trọng này nhằm thảo luận các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại nông sản, nhất là XK nông sản Việt Nam trong năm 2019.

Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã giúp hàng nông lâm thủy sản Việt Nam cơ bản không còn gặp trở ngại đối với các rào cản thuế quan. Đây sẽ là lợi thế để nông sản Việt đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

Tuy nhiên, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Nhận diện về những thách thức trong năm 2019, theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2019 ngành nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Trong khi đó, những thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Năm 2019, mặc dù nhận diện nhiều thách thức, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm”. Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.

"Chúng ta phải chuyển từ sản xuất để ăn thành sản xuất để bán. Nhưng để bán cho thế giới với lượng dân số càng ngày càng tăng và thu nhập càng cao là khó. Khó nhưng chúng ta vẫn làm được. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trục: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng cho hay.

Chính phủ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân. Hàng triệu hộ nông dân liên kết được với hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến với thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.