ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Bộ Nông nghiệp và PTNT lần đầu kết nối kiều bào chung tay thúc đẩy thương mại và đầu tư nông nghiệp

15/ 02/ 2022

Tối 14/2/2022, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp".

Đây là lần đầu tiên diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp được tổ chức nhằm kết nối với kiều bào ở nước ngoài, truyền tải các giá trị văn hoá Việt, các sản phẩm sản xuất của Việt Nam nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng ra thị trường thế giới.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nhân kiều bào đang làm ăn, sinh sống trong và ngoài nước, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng họ cùng có chung một tâm nguyện đem đến kinh nghiệm, mô hình sản xuất mới để giúp ngành nông nghiệp của nước nhà phát triển

Hiện nay, hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành quả đó có sự đóng góp tích cực từ các kiều bào, bởi mỗi người đều trở thành kênh phân phối quan trọng đưa nông sản Việt đi khắp bốn phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn bà con kiều bào đã, đang và sẽ tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, bà con giúp thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP theo chương trình quốc gia "Mỗi phường xã một sản phẩm" của Việt Nam.

"Chúng tôi hướng về hàng triệu kiều bào ở khắp thế giới. Đó là các nguồn lực đầu tư, nguồn lực thương mại, nguồn lực trí thức, kết nối cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa nông sản ra thế giới. Bà con Việt kiều chính là những người người dẫn dắt dòng nông sản đi khắp thế giới và đưa tri thức nông nghiệp mới trở về đất nước chúng ta", Bộ trưởng nói.

Diễn đàn cũng mong muốn bà con là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững, thành trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Cùng chung sức vì nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Thời điểm hiện tại là thời điểm vàng để bà con kiều bào tại các nước kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam. Đó là điều kiện rất tốt để Việt Nam đưa nông sản sang các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

"Bà con Việt kiều chính là cầu nối, kết nối, thổi hồn những giá trị văn hóa của người Việt vào trong các sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tình cảm quê hương mà cả những người sản xuất trong nước cũng như Việt kiều trên các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nông sản rất có giá trị của Việt Nam" - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.

Bộ Ngoại giao luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ bền vững, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị - xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chia sẻ, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài được chứng kiến nhiều hoạt động đóng góp thiết thực của cộng đồng kiều bào ta trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước.

Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Nhằm góp phần triển khai mục tiêu kép của Chính phủ về phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho rằng, trước tiên cần thay đổi về tư duy, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm của quá trình hoạch định và triển khai chính sách. Đồng thời tích cực áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm.

Với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu tin tưởng, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.

Ngay sau đó, các đại biểu tiếp tục nghe các kiều bào, doanh nhân kiều bào, các trí thức kiều bào đóng góp ý kiến qua các chủ đề thương mại, đầu tư và áp dụng công nghệ cao