ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thúc đẩy quan hệ đối tác đa bên trong phát triển cà phê bền vững

07/ 09/ 2021

Ngày 7 tháng 9 năm 2021, Nhóm Công tác PPP về Cà phê trực thuộc Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV), phối hợp với Tổ chức Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia), cùng Nhóm Công tác Cà phê của Đối tác Nông nghiệp Bền vững Indonesia (PISAgro) và Đối tác Nông nghiệp Bền vững Philippines (PPSA) tổ chức Hội thảo trực tuyến Chia sẻ và Học hỏi kinh nghiệm về “Quan hệ Đối tác và Phát triển Bền vững cho ngành Cà phê tại Việt Nam, Indonesia và Philippines.”

 

Cà phê là ngành hàng nông sản quan trọng toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ sinh kế cho hàng triệu nông hộ sản xuất nhỏ. Giá cà phê thế giới sụt giảm ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm liên tiếp đã kéo theo những áp lực nặng nề tới sinh kế của nhiều nông hộ sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, ngành hàng hiện còn đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức khác nhau về kinh tế - xã hội và môi trường, liên quan đến các vấn đề nội tại của ngành ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn bộ ngành hàng. Đây là những vấn đề cần được nhận định lại và giải quyết một cách toàn diện, thông qua phương pháp tiếp cận mang tính đa bên, vì đây đều là những vấn đề phức tạp, quá lớn để một cá nhân, tổ chức đơn lẻ có thể giải quyết được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiềm năng của ngành hàng trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân thông qua sản xuất cà phê bền vững có giá trị và chất lượng cao. Do đó, Hội thảo trực tuyến Chia sẻ và Học hỏi kinh nghiệm về “Quan hệ Đối tác và Phát triển Bền vững cho ngành Cà phê tại Việt Nam, Indonesia và Philippines” đã được tổ chức vào thời điểm hết sức quan trọng như hiện nay với mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác và phát triển bền vững, từ đó giúp hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ và ngành cà phê trong khu vực có được những can thiệp thiết thực, kịp thời. Trên thực tế, đã có nhiều thực hành và giải pháp áp được áp dụng, có khả năng mang lại nhiều cải thiện về chất lượng cuộc sống của người sản xuất cà phê quy mô nhỏ, đồng thời đảm bảo cải thiện thu nhập và duy trì bền vững hệ thống canh tác địa phương.

Hội thảo trực tuyến đã quy tụ hơn 130 đối tác quan tâm từ khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, các nhà rang xay, sản xuất, chế biến cà phê, các tổ chức nông dân và các bên liên quan khác trong ngành hàng, luôn sẵn sàng và mong muốn được trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm trong phát triển đối tác và thúc đẩy phát triển ngành cà phê bền vững. Hội thảo trực tuyến đã được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các Đối tác Quốc gia trong mạng lưới của Grow Asia cơ hội được học hỏi, chia sẻ kiến ​​thức và trao đổi kinh nghiệm thực tế trong ngành cà phê; phản ánh các vấn đề ưu tiên và những thách thức chung trong “quan hệ đối tác và phát triển bền vững” của ngành cà phê; và tìm kiếm cơ hội kết nối giữa các đối tác liên quan tại ba quốc gia, cũng như các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á.

Khách mời tham dự Hội thảo đã được nghe 7 bài thuyết trình, được chia thành 3 phiên trao đổi kinh nghiệm theo từng quốc gia. Bên cạnh đó, các đối tác đã có cơ hội được trao đổi, chia sẻ về các phương pháp, thực hành tốt nhất, hiểu rõ hơn về các yếu tố dẫn đến thành công của mỗi dự án cụ thể, cũng như trao đổi về các cơ hội hợp tác trong tương lai trong việc thúc đẩy phát triển cà phê bền vững trong khu vực.

“Chúng tôi nhận ra rằng ngành hàng hiện phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta sẽ cần rất nhiều thời gian cũng như sự cam kết của nhiều bên liên quan thông qua các sáng kiến ​​hành động tập thể. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta đang đi đúng hướng và chúng tôi cam kết nỗ lực hơn nữa, cùng phối hợp với các bên liên quan để hiện thực hóa mục tiêu của JDE là đảm bảo 100% nguồn cung ứng cà phê được sản xuất một cách có trách nhiệm  vào năm 2025” - ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc Bền vững Công ty Jacobs Douwe Egberts (JDE) khu vực Châu Á Thái Bình Dương kiêm Đồng Trưởng nhóm Nhóm Công tác PPP về Cà phê tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Louis Dreyfus (LDC), một đối tác rất tích cực trong các sáng kiến cà phê bền vững tại Indonesia, ông Rubens Marques - Giám đốc điều hành của LDC Indonesia cho biết: “Những hoạt động của chúng tôi góp phần thúc đẩy nông nghiệp tái sinh và hỗ trợ nông dân phát triển hệ sinh thái canh tác bền vững hơn….Hợp tác công - tư ở Indonesia giúp chúng tôi có thể tiếp tục tập trung nỗ lực vào các hoạt động đào tạo và tập huấn nông dân trồng cà phê địa phương bằng cách cải thiện năng suất và sinh kế của họ thông qua các thực hành bền vững hơn.”

Ông Fitrian Ardiansyah, Chủ tịch Sáng kiến ​​Thương mại Bền vững - IDH tại Indonesia cũng đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác công tư đối với ngành cà phê bền vững của Indonesia. Giải pháp phát triển Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn được xác minh (VSA), do IDH và các đối tác cùng phát triển, tạo ra kết nối trực tiếp giữa người sản xuất với người thu mua cuối cùng, trong đó tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi giá trị luôn được đưa vào mục tiêu ưu tiên hàng này. Điều này cho phép các công ty có được các lựa chọn nguồn cung ứng an toàn. Hơn nữa, quá trình này cũng giúp thúc đẩy đầu tư, tạo ra động lực ở cấp quy mô lớn cho các hoạt động đầu tư vào sản xuất bền vững tại các vùng nguyên liệu và nông dân. 

Bà Ruth Novales, Giám đốc đối ngoại của Nestlé Philippines Inc. nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa bên trong việc cải thiện thu nhập của nông dân thông qua các sáng kiến giúp tăng sản lượng sản xuất, tăng trưởng bao trùm, an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo. Bà khẳng định “Nestlé cam kết hỗ trợ nông dân thúc đẩy phát triển cà phê bền vững về cả chất lượng và số lượng”.

Để biết thêm thông tin về Đối tác Nông nghiệp Bền vững Indonesia (PISAgro), vui lòng liên hệ Ông Insan Syafaat, isyafaat@pisagro.org

Để biết thêm thông tin về Đối tác Nông nghiệp Bền vững Philippines (PPSA), vui lòng liên hệ Bà Amy Melissa Chua, amy@ppsa-ph.org

Để biết thêm thông tin về Grow Asia, vui lòng liên hệ info@growasia.org