ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Tầm nhìn và đối thoại công - tư ngành rau quả Việt Nam và Khởi động Dự án ASEAN Agritrade

23/ 06/ 2020

Sáng ngày 23 tháng 6, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thông qua dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững tại ASEAN” (gọi tắt là ASEAN AgriTrade) phối hợp tổ chức Hội thảo Tầm nhìn và đối thoại công - tư ngành rau quả Việt Nam và Khởi động Dự án ASEAN Agritrade.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, viện nghiên cứu, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông và Lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả, tổ chức chứng nhận, doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ trong nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, đại diện các các tổ nhóm nông dân…

Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển trái cây, rau quả, kể cả rau quả ôn đới và nhiệt đới. Trong những năm qua sản xuất rau quả của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh cả về diện tích và sản lượng. Nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, cộng với sự vào cuộc của các địa phương trong việc vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã được các thị trường khó tính chấp nhận.

Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó có rau, quả tươi là một trong những mục tiêu chiến lược trong phát triển nông nghiệp Việt Nam; trong đó liên kết sản xuất, đặc biệt là hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã và đang là yếu tố then chốt để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng rau quả. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các đối tác khối Công và khối Tư có cơ hội đối thoại trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để phát triển hợp tác trong áp dụng các tiêu chuẩn bền vững ngành hàng rau, quả, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ về tiềm năng ngành rau quả Việt Nam dự kiến sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp phát triển toàn diện ứng dụng công nghệ cao. Ước tính đến năm 2021, mức tiêu thụ rau, củ, quả của thế giới là 317 tỷ USD, tuy nhiên hiện tại Việt Nam mới chỉ cung cấp được gần 4 tỷ USD (2019), khoảng 1% so với tổng mức nhu cầu của thế giới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. EVFTA sẽ là cánh cửa rộng để đưa các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, “thời gian qua, ngành rau quả nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Ngoài những nỗ lực chung của doanh nghiệp, địa phương còn có sự quan tâm của nhà nước, hiệp hội, đặc biệt là chương trình nghiên cứu giống phát triển cây ăn quả đã được triển khai trong suốt 20 năm qua. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 703/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình với tổng mức đầu tư hơn 100 nghìn tỉ đồng dự kiến sẽ là cú hích lớn cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động thành lập các viện nghiên cứu chọn tạo giống, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng thị trường khác nhau. Đây là thời điểm thích hợp để các đối tác trong ngành tăng cường thúc đẩy hợp tác công-tư hơn nữa, tìm ra giải pháp phát triển ngành rau hoa quả bền vững trong thời gian tới.”

“Mặc dù các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của ASEAN (ASEAN GAP) cho trái cây và rau quả đã được xây dựng, năng lực áp dụng trong thực tiễn hiện còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thành viên đã phát triển các tiêu chuẩn của riêng họ trước ASEAN GAP (VD: VietGAP tại Việt Nam, Q-GAP ở Thái Lan và Phil-GAP ở Philippines…), nhưng các tiêu chuẩn này không đảm bảo sản phẩm rau quả có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu. Những hạn chế trong việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và bền vững hiện không chỉ là một thách thức tại hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN, mà còn là một trở ngại lớn cho hội nhập kinh tế, mở rộng liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết một vấn đề khu vực liên quan đến các rào cản thương mại nông nghiệp xuyên biên giới, theo Ông Daniel Herrmann, Trưởng nhóm Chương trình AgriTrade, Tổ chức GIZ.