ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Đón thời cơ xuất khẩu nông sản sau dịch Covid-19

19/ 06/ 2020

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2020 của nước ta đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,41 tỷ USD, giảm 3,2%. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy thời gian tới việc xuất khẩu nông sản sẽ dần chặn được mức sụt giảm và trên đà hồi phục so với những tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tăng trưởng trong gian khó

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng là gạo, cà-phê và hạt điều. Trong đó đáng chú ý là mặt hàng gạo với khối lượng xuất khẩu đạt gần 2,9 triệu tấn, đạt 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 5-2020, xuất khẩu gạo tăng đến 47% về lượng và 55,3% về giá trị so với tháng 4. Ðáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5-2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn. Ðây là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản của nước ta khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ðối với mặt hàng trái cây, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ. Mức sụt giảm này có nguyên nhân lớn là do nhiều mặt hàng hoa quả tươi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Sau đó, tiếp tục bị tắc nghẽn đường sang các thị trường Mỹ và châu Âu khi dịch lan rộng. Mặc dù đến thời điểm này, các mặt hàng trái cây vẫn chưa tìm lại được mức tăng trưởng tốt nhưng đang có nhiều tín hiệu cho thấy khả năng hồi phục. Mới đây nhất là những tin vui dồn dập đến với việc xuất khẩu quả vải tươi sang Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Xin-ga-po.

Ðối với mặt hàng thủy sản, đà sụt giảm cũng đã chững lại so với những tháng trước. Theo đó, tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 570 triệu USD, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ. Mức giảm này được coi là khá thấp so với những tháng trước đó do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 20% trong tháng 5. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2%. Dự báo, đến cuối tháng 6, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sẽ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 9% trong tháng 5, sau khi tăng 16% trong tháng 4. Với đà tăng trưởng đó, Nhật Bản được nhận định sẽ là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020.

Tìm hướng phục hồi nhanh và mạnh

Tại nhiều hội nghị, cuộc họp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đều nhấn mạnh vai trò của lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhu cầu về các mặt hàng này sẽ vẫn tăng trưởng bởi đây là hàng hóa thiết yếu. Chính vì vậy, các ngành hàng nông sản phải nắm lấy cơ hội trong thách thức để sớm khôi phục đà tăng trưởng xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa các mặt hàng phù hợp với ý thức tiêu dùng mới của người dân mỗi quốc gia như tăng các sản phẩm đóng hộp, chế biến sâu thay vì các sản phẩm tươi, sống.

Trong khi xuất khẩu gạo có nhiều khả quan thì thách thức lại đang đặt ra cho ngành hàng thủy sản. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đều cho rằng, thời gian tới vẫn cần tính toán đến các phương án tập trung phát triển mạnh hơn nữa ở các thị trường đã kiểm soát được dịch bệnh để bù đắp cho sự sụt giảm còn tiếp tục xảy ra tại thị trường Mỹ và EU. Ðồng thời cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ có sự thay đổi rõ nét theo hướng tăng cường sản phẩm đóng hộp, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng về sự an toàn trong dịch bệnh. Riêng mặt hàng cá tra, theo dự báo, từ quý III-2020 mới có khả năng phục hồi hoàn toàn, nên giải pháp cần tập trung lúc này lại là phát triển thị trường trong nước để giảm áp lực tiêu thụ trong khi chờ đợi thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu trở lại. Theo đó, doanh nghiệp cần phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao, đổi mới hình thức thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước cũng như kết nối sâu hơn với các kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi nhà hàng…

Riêng về mặt hàng trái cây, dù chưa đạt được mức tăng trưởng rõ nét thời gian qua nhưng lại đang có nhiều hy vọng trong thời gian tới nhờ vào sự khôi phục nhanh và mạnh về nhu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc - một thị trường lớn của nhiều loại trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý đối với ngành hàng này chính là việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chính ngạch; thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn và đáp ứng các yêu cầu khác có liên quan đến chất lượng sản phẩm theo thỏa thuận với từng đối tác nhập khẩu.

Có thể thấy, sau những tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đến nay, các hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta đã và đang dần hồi phục ở một số thị trường trọng điểm và truyền thống. Gian nan và thách thức cho sáu tháng cuối năm vẫn còn rất lớn nhưng trong điều kiện nước ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì đây lại chính là cơ hội cho nông sản trong nước tạo dựng thêm lòng tin về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với các nhà nhập khẩu trên thế giới.