ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2030

30/ 09/ 2015

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030” với mục tiêu chung là: phát huy toàn diện vai trò hội nhập kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường nhằm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập người dân.

Mục tiêu cụ thể là phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả dựa trên lợi thế và khả năng cạnh tranh, hạn chế tác động bất lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển các thị trường có giá trị cao và bền vững cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam ở cả địa bàn truyền thống và địa bàn mới, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới tư duy, khoa học công nghệ, đổi mới thể chế chính sách nhằm xây dựng nội lực nền nông nghiệp mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của nông nghiệp, góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Định hướng tổng thể đến năm 2030 là chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng; ưu tiên tăng cường hợp tác với các đối tác lớn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán sẽ theo những định hướng hội nhập: tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các đối tác trong FTAs thông qua xóa bỏ thuế quan, hạn chế các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông lâm thuỷ sản, đàm phán công nhận lẫn nhau về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS); đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp; bảo vệ một số ngành sản xuất trong nước còn nhiều yếu kém nhưng có triển vọng tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai…

Hội nhập trên cơ sở tuân thủ và phát huy cơ chế thị trường, đồng thời thể hiện ưu thế và khắc phục điểm yếu của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, khai thác ưu điểm của đối tác, chủ động đề phòng các tác động tiêu cực có thể xảy ra, trên cơ sở công bằng, các bên cùng có lợi và bền vững.

Chiến lược cũng đề ra các giải pháp chung, giải pháp cụ thể để định hướng phát triển thị trường các ngành hàng nông, lâm, thủy sản…

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện: (i) Rà soát pháp luật, luật lệ, chính sách, quy định trong các FTA thuộc phạm vi quản lý của Bộ để lên kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với các cam kết đã ký kết; Lên kế hoạch xây dựng lực lượng và bổ sung trang bị, thay đổi chức năng, củng cố chuyên môn để có đủ năng lực đáp ứng công tác thực hiện biện pháp kỹ thuật theo các FTA; Rà soát quy trình quản lý nhà nước có liên quan để cắt giảm thủ tục, minh bạch hóa thông tin. (ii) Tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động của các FTA tới các ngành sản xuất do Bộ quản lý để xác định lợi thế và đề ra ưu tiên về thị trường, ngành hàng theo từng FTA, qua đó thúc đẩy xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. (iii) Nghiên cứu và làm việc với các Bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ xem xét và cho phép bổ sung chức danh tham tán nông nghiệp tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v…

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (i) Tìm hiểu các thị trường nông sản quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; (ii) Hỗ trợ giải quyết các rào cản thương mại và tranh chấp thương mại đối với nông lâm thủy sản khi có phát sinh. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (i) Tổ chức xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản ra các thị trường quốc tế; (ii) Xây dựng các phương án đàm phán thương mại về nông lâm thủy sản trong khuôn khổ đàm phán các FTA;(iii) Giải quyết các rào cản thương mại và tranh chấp thương mại đối với nông lâm thủy sản khi có phát sinh.

Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của Chiến lược này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. (Toàn văn Quyết định 1684/QĐ-TTg ngày 30/9/2015).