ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VIỆT NAM (PSAV)

ENG VI

Thủy sản

Thông tin chung về ngành hàng

Năm 2017, xuất khẩu thủy sản cán đích trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016. Trong đó, tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46% tổng xuất khẩu, tăng 21%; cá tra chiếm 21%, tăng gần 4%. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều đạt gần 600 triệu USD, tăng 16% và 42% so với năm 2016. Xuất khẩu các loại cá biển đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%. Trung Quốc đã vượt Mỹ trong nhóm thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu lên đến 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường mua cá tra, và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị 677 triệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016. Năng lực chế biến thủy sản trong nước ngày càng phát triển, đạt 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Nếu trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng thô thì hiện nay tỉ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng (ước đạt khoảng 35%). Các sản phẩm như sushi, sashimi, surimi... đã được sản xuất ở hầu hết nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

Mặc dù có tăng trưởng mạnh trong những năm gần đâu nhưng ngành thủy sản còn một số hạn chế. Nhiều diện tích nuôi phân tán, thiếu quy hoạch, việc quản lý giống và tạo chọn giống kém hiệu quả, chất lượng con giống ngày càng thấp. Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra; ô nhiễm môi trường vùng nuôi ngày càng trầm trọng. Liên kết giữa các tác nhân trong ngành kém; hiện chưa có mô hình liên kết nào thành công. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu của việc nuôi thả và vận chuyển thu hoạch (hệ thống điện, cấp thoát nước, vận chuyển…). Nhiều sản phẩm như cá tra, tôm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Cơ cấu tổ chức, mục tiêu:

Nhóm công tác PPP thủy sản được thành lập năm 2010,Tổng Cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH hiện là đồng Chủ trì của Nhóm. Các thành viên của Nhóm bao gồm: Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF Việt Nam, GIZ, Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP), Hội nghề cá Việt Nam, Cargill. Ban Thư ký gồm 3 thành viên là đại diện của Tổng cục Thủy sản, Tổ chức WWF và IDH.

Mục tiêu hoạt động của nhóm là huy động nguồn lực từ các đối tác nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao được sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.

Kết quả chính đạt được:

Kết nối với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản và các thành viên khác để tiến hành rà soát, điều chỉnh hoạt động của nhóm và đề ra các nội dung hoạt động trọng điểm

Rà soát các chính sách, chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam để đề xuất những hướng đi đúng nhằm phát triển thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, GIZ tiếp tục mở rộng nội dung trong các đối thoại bàn tròn (vốn là sáng kiến do GIZ đưa ra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản), hàng năm đưa ra các chủ đề ưu tiên nhằm bàn các vấn đề sát thực, cần thiết đối với ngành thủy sản.

IDH định hướng nghiên cứu phát triển bền vững thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu và áp dụng mô hình dịch tễ học góp phần giảm thiểu thiệt hại về dịch bệnh gây ra trong nuôi trồng thủy sản. IDH có kế hoạch xây dựng hai nội dung này có sự tham gia mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, người nông dân và phát triển thành một hệ thống bền vững.

WWF Việt Nam lại quan tâm và tập trung đến các vấn đề cụ thể hơn: Hỗ trợ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, ghẹ xanh ở Kiên Giang đạt được các chứng nhận mà quốc tế đưa ra. Hỗ trợ tăng cường năng lực, phát triển khung quản lý đối với việc đánh bắt cá mập. Bám sát chương trình quốc gia về bảo vệ rùa biển. Bên cạnh đó, WWF cũng tiếp nhận sự hỗ trợ của tổ chức DANIDA (Đan Mạch) để giúp người nông dân Việt Nam trong hoạt động nuôi cá tra bền vững. Ngoài ra, WWF cũng sẽ tham gia vào hoạt động rà soát quy hoạch, chính sách phát triển, tập trung vào các sản phẩm có trách nhiệm, hỗ trợ người nuôi đạt chứng nhận MSC cho nghề nuôi ngao…

Các kết quả:

- Đã đào tạo và chứng nhận trên 400 nông dân. Tổng mức đầu tư cho đào tạo nông dân, kể từ tháng 9 năm 2011 là hơn 200.000 USD
- Đào tạo 70 nông dân về việc sử dụng và thực hiện theo các quy định của METRO
- Chứng nhận 27 nông dân theo tiêu chuẩn VietGap. 20 nông dân khác đang trong quá trình xác nhận với sự hỗ trợ của Cục Thủy sản thuộc Bộ NN & PTNT

Thành viên

Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT (Đồng Trưởng nhóm)

Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH (Đồng Trưởng nhóm)

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS)

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP)

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF)